[Thơ] Tìm hiểu về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc

(Haitaynamkg) Tìm hiểu về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc

Bạn đã bao giờ nghe bài thơ Phong kiều dạ bạc (Đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều, A Night Mooring near Maple Bridge) của Trương Kế (Zhang Ji), một thi sĩ đời Đường (618-907) chưa? Trong bài thơ này Trương Kế nhắc đến tiếng chuông chùa vang vọng giữa đêm khuya ở chùa Hàn San. “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền." (Bản dịch Anh ngữ là “Away from the town of Suzhou stands Hanshan Temple, The chime of its midnight bell reaches as far as my boat" [8], [9]). Sự vi diệu của tiếng chuông chùa lúc nửa đêm đã giúp cho chàng thi sĩ họ Trương hoàn thành nốt bài thơ thất ngôn tứ tuyệt và từ đó Hàn San tự trở thành một địa danh được nhiều người biết đến, đặc biệt là về tiếng chuông chùa và nền văn hóa Phật giáo. Có người đã nói “Đến Tô Châu mà không thăm Hàn San Tự thì chẳng khác nào tới Paris mà không vào bảo tàng Louvre hay leo tháp Eiffel vậy.”[15] Chúng ta thử tìm hiểu đôi nét về ngôi chùa Hàn San và bài thơ Phong kiều dạ bạc.


Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, 
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. 
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa:
Cầu Phong, đêm neo thuyền 
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời, 
Trong giấc ngủ buồn có cây phong ở bến sông và ngọn lửa thuyền chài. 
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San, 
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách. 
Nguyễn Hàm Ninh xưa ở nước ta đã dịch bài thơ này sang thể lục bát:

Đêm thuyền đậu bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(Tạp chí Văn Học, số 191, tháng 03 năm 2002, trang 36)

Theo [1] “Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà, được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.”

Một nhà nghiên cứu khác lại nêu quan điểm: “Bản dịch của Trần Trọng San, cùng thể, vừa giữ được ý thơ lãng mạn lại vừa giữ được nét cứng cỏi của thất ngôn. Bản dịch, tôi thiết nghĩ đáp được hai yêu cầu của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, thứ nhất là Cô Tô là thành lũy chứ không phải bến và thứ hai là tính chủ động của tiếng chuông chùa ở câu bốn. Cô Tô vốn là tên ngọn núi ở phía tây nam Ngô huyện, thuộc tỉnh Giang Tô.

Chính ở đây, xưa vào thời Đông Chu (770 đến 314 trước Công nguyên), Ngô vương Phù Sai đã xây đài cho Tây Thi. Vì thế mà tác giả Trần Trọng San dùng chữ "lũy" ở câu ba trong bài dịch ra tiếng Việt.” [12]

Bản dịch của Trần Trọng San:
Nửa đêm đậu bến Phong Kiều
Trăng tà, tiếng quạ vẳng sương rơi,
Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài. 
Ngoài lũy Cô Tô, chùa vắng vẻ, 
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai. 
(Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 114, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972)

Tuy nhiên cũng có tác giả khác nhận định: “ Phong kiều dạ bạc là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng của Trung Quốc mà hầu hết ai đã đọc thơ Đường đều biết. Bài thơ này đã được nhiều nhà thơ cũng như nhiều nhà Hán học Việt Nam tuyển dịch trong nhiều công trình. Trong số đó bản dịch của Tản Đà được người đọc đánh giá khá cao không chỉ vì thể thơ quen thuộc, vì ngôn ngữ uyển chuyển tinh diệu mà vì thấm được cái hồn của tác giả Trương Kế.” [14]

Bản dịch của Tản Đà:
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương 
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ 
Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 115, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba 1972)

Trong quá trình tham khảo tài liệu chúng tôi đã đối chiếu một số bản dịch khác nhau của cùng một dịch giả đã được đăng tải trên một số website và một số diễn đàn để tìm ra bản dịch chính xác nhất trong điều kiện cho phép. Có khoảng 50 bản dịch Việt ngữ của 31 dịch giả xưa và nay đã tổng hợp được. Ngoài một số bản dịch hơi thoát ý thì hầu hết các bản dịch đều diễn tả được sự chính xác của nguyên bản chữ Hán như các chữ nguyệt lạc (trăng lặn), ô đề(tiếng quạ kêu), sương mãn thiên (sương đầy trời), giang phong (cây phong ở bến sông), ngư hỏa (ngọn lửa chài trên thuyền), sầu miên (giấc ngủ buồn), chung thanh (tiếng chuông)… rất đáng trân trọng. Bên cạnh đó cũng có 9 bản dịch Anh ngữ được tìm thấy trên internet. Do sự giới hạn số trang của bài báo nên chúng tôi xin phép không đăng lại nơi đây.

Ngược dòng thời gian, chúng ta thử tìm hiểu về ngôi chùa Hàn San, một ngôi chùa nhỏ nhưng “đã nổi tiếng và đi vào lịch sử văn hóa phương Đông” [15] và là một trong mười ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Quốc hiện nay.

Đôi nét về ngôi chùa Hàn San [2], [8], [9], [15], [16]

Bảng tên chùa Hàn San (ảnh: Nguyễn Được)

Chùa Hàn San (tên trước đây là Diệu Lợi Phổ Minh tháp viện) tọa lạc ở thị trấn Phong Kiều, thành phố Tô Châu, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Chùa được xây dựng từ thời Nam Triều của đời Lương (502-557) (nhưng đến đời Đường chùa mới có tên là Hàn San. Hàn San ở đây chẳng có nghĩa là “núi lạnh” (Cold Mountain Temple hay Temple of Cold Hill như một số bản dịch sang tiếng Anh, mà đơn giản chỉ là tên một vị cao tăng đã trụ trì ở đó) và được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong. Đến thời Đường (618-907), Phật giáo được chú trọng nên chùa Hàn San cũng được tạo điều kiện tốt nhất để trở thành nơi đào tạo tăng tài và hoằng dương chánh pháp. Tương truyền rằng hai vị cao tăng đời Đường là Hàn San và Thập Đắc đã đến trụ trì ở chùa này và từ đó có tên là Hàn San tự.

Có thể nói rằng tuy không lớn và đẹp như những ngôi chùa khác nhưng “Chùa Hàn San đã nổi tiếng và đi vào lịch sử văn hóa phương Đông là nhờ ở tiếng chuông. Tiếng chuông chùa nổi tiếng là nhờ bài thơ của Trương Kế. Nhưng thật ra Hàn San tự còn nổi tiếng bởi đôi ẩn sĩ Hàn Sơn và Thập Đắc. Theo sử sách, Hàn Sơn còn được gọi là Hàn Sơn Tử, sống vào thời Trịnh Quán, đời Đường. Là thi sĩ, tăng sĩ, cùng với Thập Đắc và Phong Can làm nên “Quốc Thanh tam ẩn”. Ông sống ẩn dật, cơ hàn trong hang đá ở núi Thiên Thai (Chiết Giang), thường đến chùa Quốc Thanh do thiền sư Phong Can trụ trì, để thăm bạn là thi tăng Thập Đắc. Hàn San có hành trạng cổ quái và tính khí khác thường lời kể lại của người xưa như đội mũ vải gai, chân đi guốc gỗ, mặc áo choàng lam, xốc xa xốc xếch, cười hát tự nhiên... Còn Thập Đắc thì chỉ biết là bị bỏ rơi từ nhỏ trong rừng, được sư Phong Can tìm thấy và đem về chùa nuôi dưỡng (Thập Đắc có nghĩa là nhặt được), chuyên trông nom nhà bếp trong chùa. Cả hai là đôi bạn cuồng sĩ này thường bá vai nhau, cười la nhảy múa và đi lại khắp nơi. Hai ông thường lui tới chùa nên thiền sư Hy Thiên đặt tên chùa là Hàn San để làm kỷ niệm... Tuy nhiên, liên quan tới cái tên này, có người lại kể một câu chuyện khác. 

Chuyện rằng, tại một miền quê nhỏ có hai chàng trai Hàn San và Thập Đắc thân thiết với nhau như hai anh em. Tới một ngày cha mẹ hỏi vợ cho Hàn San, thì cô dâu lại chính là người yêu của Thập Đắc. Không muốn làm đau lòng bạn, Hàn San lẳng lặng từ hôn, bỏ quê ra đi. Phiêu dạt đến Cô Tô, anh đã dừng chân tại ngôi chùa này. Trong khi đó, nghĩ rằng vì mình mà Hàn San phải tha hương, Thập Đắc cũng bỏ quê đi tìm anh. Cuối cùng hai người gặp nhau và cùng tu tại chùa này.” [15] Chuyện ấy thực hư thế nào không biết được. Cũng không rõ cô gái ấy là ai, tên gì, và cũng không biết có nên đối xử với cô gái ấy như thế không. Nhưng có một điều chắc chắn là tình bạn của Hàn San-Thập Đắc đã được dân gian khắc tạc thành một biểu tượng. Trong chùa hiện có nhiều tranh tượng của Hàn San và Thập Đắc. Ngoài ra, ở sau chánh điện còn có một ngôi điện khác được gọi là Hàn-Thập điện. “Giữa Hàn-Thập điện là một nhóm tượng rất sinh động, thếp vàng sáng chóe đặt trên cao với Hàn San đứng cầm một bông hoa sen, còn Thập Đắc ngồi cầm một cái bình. Hoa sen (liên hoa) còn được gọi là hà hoa, hà gần âm với hòa. 

Cho nên, nếu nhìn từ bên phải qua, theo cách đọc của người Trung Quốc, người ta thấy hiện lên hai chữ “hòa bình”. Bây giờ, mỗi khi người Trung Quốc thấy vợ chồng, anh em, bạn bè, đối tác làm ăn với nhau mà bất hòa, xích mích thì cùng kéo nhau đến đây, quì lạy trước hai vị Hàn -Thập để hóa giải mọi mâu thuẫn, cầu mong sự thuận hòa...” [16]

Đôi bạn Hàn San và Thập Đắc (ảnh [9])

Đầu thời Thái Bình Thiên Quốc (976-984), thời Bắc Tống (960-1127), Tiết đô sứ quân Trung Ngô là Tôn Thừa Hiệu cho xây dựng lại Phật tháp. Vào năm Gia Hựu (1056-1063) vua Tống Nhân Tông ban cho chùa tên là Phổ Minh thiền viện. Năm Thiệu Hưng thứ 4 (1134), chùa Hàn San lại được trùng tu và bảo quản kỹ lưỡng. Cuối đời Nguyên chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Năm Hồng Vũ (1368-1398) đời Minh chùa lại được đại trùng tu. Năm Hàm Phong thứ 10 (1860) đời Thanh thì cả vùng Phong Kiều, Tô Châu gặp nạn binh hỏa, hầu như tất cả các điện Phật, lầu gác, cửa chùa đều biến thành tro bụi. Năm Quan Tự thứ 32 (1906) tuần phủ Tô Châu là Trần Quí Long tìm hiểu tư liệu gốc về Chùa rồi mở các đợt quyên góp kêu gọi hằng tâm hằng sản của thập phương bá tánh để tu sửa, đúc chuông, làm lầu gác… Năm Tuyên Thống thứ 23 (1910), tuần phủ Trình Đức Toàn, Bố chính sứ lục Trung Kỳ, lại cho trùng tu và mở rộng nên chùa trở ngày càng nên khang trang. 

Từ đầu thập niên 1950 đến những năm sau này, chùa Hàn San lại được nhiều lần tu sửa và mở rộng. Do đã trải qua nhiều lần trùng tu nên đến bây giờ chùa không còn giữ được nét kiến trúc như thủa ban xưa nữa mà lại mang những đường nét kiến trúc tiêu biểu của đời Thanh (1644-1911) với tổng diện tích của chùa khoảng chừng 10.600 m2 (3 acres). Có nhiều chứng tích lịch sử của chùa như tượng hai ngài Hàn San và Thập Đắc (sau này trở thành Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát) do La Sính và Trịnh Văn Trác sáng tác, tảng đá khắc bài thơ Phong kiều dạ bạc và các bia thư pháp của một số danh gia từ đời Tống, Minh trở về sau như Nhạc Phi, Trương Tức Chi, Đường Diễn, Văn Trưng Minh, Dũ Việt và Khang Hữu Vi làm tăng thêm nét văn hóa cho cảnh quan của chùa.

Một trong các bia thư pháp được đặt trong khuôn viên chùa 
(ảnh: Nguyễn Được)

Sân chùa nằm ở hướng đông, chiếm diện tích 6 vạn m2. Hai phía đông và tây có tường cửa, Đại Hùng Bảo điện, Hàn-Thập điện, Tàng Kinh lâu và Pháp Minh phổ viện. Phía bắc của chùa có Sương Chung các, La Hán đường, Hàn Thập tuyền, Hàn Thập đình, Phương Trượng thư trai và Tăng xá. Phía nam có Phong Giang lâu, Hoằng Pháp đường và Tháp Chuông. Vào năm 1996, Ngọc Tháp Bảo Minh được xây mới gồm 5 tầng với chiều cao 42 mét (138 feet) và bốn mặt lầu gác theo kiểu kiến trúc đời Đường. Do có dáng vẻ khá nguy nga và hùng tráng nên tháp đã trở thành một biểu tượng mới của chùa Hàn San ngày nay.

Ngọc Tháp Bảo Minh (ảnh: Nguyễn Được)

Là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, chùa Hàn San thường được mọi người nhớ đến qua tiếng đại hồng chung vang vọng từ thủa xa xưa. Không biết tự bao giờ “Phong Kiều vãn chung” (tiếng chuông chiều Phong Kiều) đã trở thành “Ngô Trung tuyệt cảnh” (cảnh đẹp tuyệt vời của đất Ngô Trung – tên cũ của thành phố Tô Châu). Thêm vào đó, hàng năm cứ đến giao thừa, thời điểm thiêng liêng và quan trọng nhất của của phút giao mùa, chùa Hàn San lại cử hành nghi thức Thính chung thanh nghênh tân niên (Nghe tiếng chuông đón mừng năm mới). Nhiều tín đồ và khách hành hương cả trong lẫn ngoài nước thường vân tập về chùa, lắng lòng thanh tịnh để nghe những âm thanh vi diệu 108 tiếng chuông được gióng lên đúng vào lúc 12 giờ đêm ngày cuối năm để xóa những nỗi ưu phiền trần thế (theo đạo Phật, mỗi người phải chịu đựng 108 nỗi ưu phiền khổ lụy; để đối trị với những phiền não này của kiếp người, ở chùa chúng ta thường nghe 108 tiếng chuông, chuỗi tràng hạt có 108 hạt bồ đề, niệm danh hiệu Phật 108 lần, lạy Phật 108 lạy…) và đồng thời cũng để cảm nhận được niềm hạnh phúc và may mắn trong dịp đầu năm. Đây cũng là dịp để mọi người cầu nguyện với bao ước vọng cao đẹp cho một năm mới hạnh phúc, an bình và thịnh vượng.

Đôi dòng về tác giả 
Thi sĩ Trương Kế sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông sinh vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông tại Tương Châu (nay là Tương Phàn) tỉnh Hồ Bắc. Ông có tự là Ý Tôn (cùng thời với Thôi Hộ, Mạnh Giao, Vương Kiến, Hàn Dũ ...). Ông thi đậu tiến sĩ năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo đời Ðường Huyền Tông (753) và giữ chức Diêm thiết phán quan, trông coi về việc mua bán muối và sắt trong Mạc phủ. Ông là người thông thái, có kiến thức rộng, say mê đàm luận. Sau đó, cuối Ðại Lịch đời Ðường Ðại Tông (766-779), ông vào triều làm chức Tự bộ viên ngoại lang. Thời gian làm việc sau cùng, về Hồng Châu (nay là Nam Xương, tỉnh Giang Tây) trông coi việc tài phú và ở tại đây cho đến cuối đời. Suốt đời, ngoài việc học hành thì công việc chủ yếu của ông là thương mại nhưng đồng thời ông cũng là người đa tình, đa sầu, đa cảm; thường làm thơ trong những lúc đi ngao du sơn thủy, ngắm cảnh thiên nhiên và đặc biệt là trong những giây phút ngẫu hứng. Trương Kế chỉ để lại một tập thơ là Trương Từ bộ thi tập, trong đó nổi tiếng nhất là bài Phong kiều dạ bạc. Cao Trọng Vũ, người đồng thời, trong Trung Hưng giang khí tập đã viết về Trương Kế như sau: “Ông ta làm thơ không gọt dũa hay điểm trang. Cùng với bạn bè thi đàn anh tú đương thời, thể thơ của ông mới mẻ, mang phong cốt của kẻ có đạo.”

Tượng thi sĩ Trương Kế ở Tô Châu (ảnh: [8])

Về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Phong kiều dạ bạc thì lúc ấy Trương Kế là một thư sinh ở miền quê khăn gói lên kinh thành để dự cuộc thi lớn nhưng chẳng may chàng đã thi trượt kỳ thi quan trọng này. Trên đường trên đường từ trường thi trở về nhà chàng, con thuyền của chàng đậu lại qua đêm để chờ con nước ở bến Phong Kiều trên dòng kênh Đại Hà (con kênh đào bằng sức người dài nhất trên thế giới từ thời cổ, nối liền miền Bắc và miền Nam Trung Hoa) vào một chiều hoàng hôn trong sắc thu màu lá.

Bến Phong Kiều(ảnh: [17])

Đêm năm ấy chàng trằn trọc mãi không ngủ được, một phần vì nỗi buồn thi hỏng, buồn cho số phận hẩm hiu của mình, phần khác là nỗi buồn vì xa quê lâu ngày. Chàng bước ra khoang thuyền ngước mắt nhìn lên bầu trời thấy ánh trăng bị mây mù che khuất, trong đêm khuya vắng vẻ thỉnh thoảng lại nghe tiếng quạ kêu thật não lòng và phía bên kia sông có ánh lửa của những chiếc thuyền chài lập lòe trong đêm tối. Trong một tâm trạng u hoài cùng với một không gian và cảnh vật buồn bã thê lương như thế, tiếng chuông chùa ngân nga hòa quyện với niềm xúc cảm về đạo Phật đã làm cho chàng ngộ và hoàn thành bài thơ. Có lẽ người làm thơ trong khoảnh khắc xuất thần này cũng không ngờ rằng mình đã để lại một bài thơ mà sau này đã vượt qua cả không gian và thời gian; hơn ngàn năm sau vẫn còn lưu truyền hậu thế. Và ở một góc nhìn khác, có tác giả đã viết: “Một ngôi chùa, một tiếng chuông chùa qua hồn thơ của thi nhân mà trở nên bất hủ. Bài thơ của Trương Kế sẽ còn sống mãi trong lòng Phật tử với chùa Hàn San và tiếng chuông chùa… Kỳ diệu thay, Phật giáo và thơ ca đã giao hòa với nhau tự bao giờ xưa trên cõi đời này!” [2] Và “Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vẻn vẹn chỉ 28 chữ mà nói lên bao điều về đạo và đời. Hai câu đầu nói về cảnh mùa thu ở một bến vắng dưới cầu Phong (Phong Kiều) buồn lạnh và cô đơn. 

Đó là cảnh nhà thơ chấm phá vài nét bằng ngôn từ mà thành một bức tranh có màu sắc, đường nét và âm thanh. Nội dung toát lên qua hai câu thơ này là cảnh buồn, người buồn. Và đúng như Nguyễn Du đã nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Hai câu sau là nói về đạo. Đạo ở đây là đạo Phật được hiện lên ở một địa danh (là Hàn San tự - chùa Hàn San) và một danh từ (chung thanh - tiếng chuông chùa). Câu thơ giản dị, không điển tích mà làm cho người đọc cảm xúc về một ngôi chùa Hàn San ở ngoại thành Cô Tô, gần bến Phong Kiều và một tiếng chuông chùa trong đêm khuya thanh vắng.”[2] Tuy nhiên “Tiếng chuông chùa có "đến" với lữ khách hay nói cách khác, khách trên thuyền cũng như chúng sinh có "ngộ" được cảnh đời qua tiếng chuông hay không thì còn do cái "duyên" của từng người. Đây có lẽ là chỗ đắc ý nhất của tác giả: Tiếng chuông chùa không vang vọng đến người mà chỉ đến thuyền!” [10]

Ngày nay Cô Tô trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Hầu như các du khách đến đây đều ghé thăm chùa Hàn San để tận mắt nhìn thấy bài thơ này trên bức vách của chùa qua phán bút tuyệt vời của thi sĩ Tô Đông Pha và tảng đá khắc bài thơ qua thư pháp của Khang Hữu Vy.

Chùa Hàn San có thỉnh chuông vào lúc nửa đêm hay không?
Bài thơ Phong kiều dạ bạc đã trở nên nổi tiếng là nhờ nhà thơ đã đưa tiếng chuông chùa vào một trong hai câu cuối:“Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.” Tuy nhiên, hai câu này đã gây ra sự tranh luận văn học sôi nổi. Theo một nhà nghiên cứu thì “Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa đêm làm gì có tiếng chuông chùa”. Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ấu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy). Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì.” (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.) Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng: "Cái công vị thường chí Ngô Trung kim Ngô Trung tự thực bán dạ đả chung." (Vì ông không thường tới Ngô Trung [Tô Châu] chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc nửa đêm có đánh chuông thật.)

Chúng tôi cho rằng về ban đêm, ở các chùa thường không có đánh chuông nhưng cũng có những trường hợp cúng lễ bất thường nên "dạ bán chung thanh" cũng không phải là vô lý. Chính vì lẽ đó mà các nhà thơ từ đời Tống trở về sau mỗi lần qua bến Phong Kiều đều nhớ đến Trương Kế với cảnh "nguyệt lạc", "ô đề" và "dạ bán chung thanh."

Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết: “Thất niên bất đáo Phong Kiều tự, Khách chẩm y nhiên bán dạ chung.” (Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ.) Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự, Ỷ chẩm do văn bán dạ chung.” (Quạ kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa, Nằm gối đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương môn đã viết: “Tây phong chỉ tại Hàn San tự, Trường tống chung thanh giảo khách miên.” (Chỉ tại chùa Hàn San mà gió tây, Đưa xa tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.)

Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: “Kỷ độ kinh qua ức Trương Kế, Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh.” (Mấy lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế, Quạ kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: “Thủy minh nhân tĩnh Giang thành cô, Y nhiên lạc nguyệt đề sương ô.” (Nước trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng, Trăng lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.)

Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy các nhà thơ xưa ở Trung Quốc cũng đều nhắc lại cảnh "quạ kêu", "trăng lặn" và "tiếng chuông nửa đêm" như là những sự việc rất bình thường, không có gì đáng thắc mắc cả.” [1]

Đại hồng chung tại chùa Hàn San (ảnh: [9])

Liên quan đến quả chuông và tiếng chuông, có tác giả đã tìm hiểu, “Được xem là một trong những ngôi chùa danh tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, chùa Hàn San thường được nhiều người biết đến qua tiếng chuông vi diệu của chùa. Tuy nhiên, chiếc chuông được mô tả trong bài thơ của Trương Kế đã bị thất lạc từ thủa xa xưa. Chiếc chuông được đặt ở tháp chuông hiện nay đã được đúc lại (từ đời Thanh 1904) y hệt như chiếc trước đây. [9] Hoặc theo [15] thì “Tiếng chuông chùa Hàn San là một di sản văn hóa phi vật thể của Tô Châu. Chuông có thể vang xa hàng chục dặm vì đã được đúc theo bí quyết 6 phần đồng và 1 phần thiếc.”

Có một giai thoại lý thú giải thích về tiếng chuông chùa Hàn San vào lúc nửa đêm. [2], [6], [10], [11], [12]

Chuyện ghi rằng, vào đêm Trương Kế đậu thuyền tại bến Phong Kiều, trong lúc thao thức vì cảnh đẹp thiên nhiên và làm chỉ được hai câu đầu của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt như dự định mà thôi, nhà thơ bâng khuâng mãi vì chưa tìm được ý tưởng cho hai câu kế tiếp. Tuy nhiên vào thời điểm ấy không phải chỉ có một mình thi nhân không ngủ được mà có đến hai người khác nữa vì quá say mê thơ cũng trằn trọc không sao an giấc. Người thứ nhất là sư cụ trụ trì chùa Hàn San. Đêm đã khuya lắm rồi mà vẫn thầy vẫn còn thao thức vì không làm được hai câu cuối bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thầy chỉ làm được hai câu đầu rồi bị ngưng trệ ở đó, không sao viết tiếp được. Người thứ ba cũng trằn trọc trong đêm là chú tiểu trong chùa. Chú tiểu cũng là người yêu thơ. Lúc đó, sư cụ trụ trì thấy chú tiểu còn thức bèn đưa cho chú hai câu thơ mà mình đã làm ra nhưng không thể làm tiếp được kể kết thúc trọn vẹn bài thơ. Chú tiểu vừa đọc qua hai câu đầu của sư cụ liền xuất thần viết ra ngay hai câu sau. Sư cụ đọc qua, ráp nhau lại, nhận thấy cả bài thơ bốn câu hay quá:

Vọng sơ nguyệt
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không
Bản dịch của Trần Trọng San:
Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
(Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 116, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972)

Vô cùng mừng rỡ và nghĩ rằng Phật Tổ đã linh thiêng giúp đỡ cho đã giúp cho hai thầy trò ngẫu nhiên làm được một bài thơ ưng ý, Thầy bảo chú tiểu thắp hương và thỉnh chuông để tạ ơn đức Phật. Lúc đó, Trương Kế đang thao thức suy nghĩ về hai câu thơ sau, thì tiếng chuông chùa Hàn San vang ngân lên. Trong một đêm khuya mùa thu, sương phủ mờ cả dòng sông, Trương Kế nằm dưới thuyền lẻ loi đậu ở bến Phong Kiều trong tâm trạng buồn bã lại thêm có tiếng quạ kêu não nề vang vọng trên không trung thì bất ngờ thay tiếng chuông chùa Hàn San vẳng đến. Tiếng chuông chùa ngân vang, lay động cả màn sương. “Tiếng chuông lọt vào tai Trương Kế đang thao thức với tâm trạng lòng buồn, thơ cạn... Tiếng chuông như điệu kèn đam mê sâu đắm thoát ra từ cõi thơ. Hồn thơ của Trương Kế tưởng như đã lụi tàn trong nỗi buồn “đối sầu miên” bỗng trỗi dậy khi đột nhiên từ ngoài thành Cô Tô có tiếng chuông chùa Hàn San ngân nga vọng lại. Ông lắng nghe tiếng chuông và chợt tỉnh. Tiếng chuông nửa khuya vang lên rửa sạch lớp bụi trần gian của tâm thức đầy tục lụy. Cảm nhận giải thoát đến từ tiếng chuông. Tiếng chuông đến từ vô ngã. Một đời bôn ba trên trường khoa bảng của Trương Kế đã bị tiếng chuông cuốn phăng vào quá khứ. Hiện hữu là một sự tỉnh thức: là tâm trạng thoát tục; là khách cửa thiền. Nhà thơ bỗng cảm thấy tâm hồn lâng lâng thoát tục và ý thơ từ đâu ùa vào như nước lũ.” [14]

Và với tâm hồn cảm xúc với đạo Phật, hồn thơ Trương Kế đã lay động với sự vi diệu của tiếng chuông chùa, lập tức nhà thơ liền có ý để viết ra hai câu kết:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Và từ đó, trong kho tàng văn học sử Trung Hoa lại có thêm một kiệt tác Đường thi theo thể loại thất ngôn tứ tuyệt!

Thay lời kết
Đối với những ai đã từng học và yêu thích thơ Đường qua bốn thời kỳ Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường (618-907) thì có lẽ sẽ không bao giờ quên những tác phẩm bất hủ như như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Thạch Hào lại của Đỗ Phủ, Hiệp khách hành của Lý Bạch, Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Phong kiều dạ bạc của Trương Kế... Nay một lần nữa, chúng ta cùng đọc lại bài thơ Phong kiều dạ bạc để hiểu thêm phần nào lý do bài thơ ấy đã được phong là “Thiên cổ tuyệt xướng” (bài ca tuyệt vời ngàn xưa) cũng như tại sao “Phong kiều vãn chung” (tiếng chuông chiều Phong kiều) đã trở thành “Ngô Trung tuyệt cảnh” (cảnh đẹp tuyệt vời của đất Ngô Trung). Hơn thế nữa, “Từ đời Tống trở về sau, bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế được lưu truyền rộng rãi và được coi là thi phẩm ngợi ca đạo Phật hay nhất đời Đường và hậu thế”. [2]

Hồ Văn Tâm

Tài liệu tham khảo: 
1. Nguyễn Quảng Tuân, Đến Hàn San Tự để tìm hiểu bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế,
http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/191/nguyenquangtuan_phongkieudabac.htm
2. Hồ Sĩ Hiệp, Chùa Hàn Sơn trong hồn thơ Trương Kế, http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-hosihiep.htm
3. Hải Đà-Vương Ngọc Long, Trở lại với "Phong Kiều Dạ Bạc”, http://vuonghaida.com/VAN/PhongKieuDaBac.htm. 
4. Hải Đà, Đường Thi Tuyển Dịch,
http://www.vuonghaida.com/duongthituyendich1/DTTD.htm
5. Trương Kế, Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac.htm.
6. Lê Tấn Tài và Vương Văn Ký, Hàn San Tự và Từ Lâm Tự - đường vào lịch sử, Đặc san Quốc gia Hành chánh, Liên bang Úc Châu, 2007.
7. Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.mocgiatrang.com/forum/topic.asp?TOPIC_ID=1250
8. Attractions, 
http://www.travelchinaguide.com/attraction/jiangsu/suzhou/
9. Suzhou: Hanshan Temple,
http://chineseculture.about.com/library/gallery/suzhou/blghanshan.htm.
10. Trần Dương Hân, Hoàng Hạc Lâu và Phong Kiều Dạ Bạc, 
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-tranduonghan.htm.
11. Minh Tâm, Giai thoại về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.aihuucongchanh.com/baiviet/Phongkieu.html
12. Trần Long Hồ, Đọc lại Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-tranlongho.htm. 
13. Trần Kiêm Đoàn, Một đốm lửa thơ,
http://www.cuasotinhoc.com/lofiversion/index.php/t82876.html
14. Hà Quảng, Trao đổi thêm về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-haquang.htm
15. Thu Tâm, Đến Tô Châu nghe chuông chùa Hàn Sơn,
http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=118250&ChannelID=219.
16. Duyên Trường, Đôi bạn chùa Hàn Sơn, 
http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=164168&ChannelID=371.
17. www.TravelChinaGuide.com.

Phụ lục: Một số bản dịch khác: [3], [5], [7]
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Quạ kêu, sương tỏa, trăng lui, 
Đèn chài, cây bãi, đối người nằm khô 
Chùa đâu trên núi Cô Tô 
Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya
(Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học sử Trung Quốc, quyển 2, trang 235) 

Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi 
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co 
Con thuyền đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn 
(Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học sử Trung Quốc, quyển 2, trang 235)

Bản dịch của Hồ Dzếnh:
Chiều tà chiếc quạ kêu sương 
Lửa chài vương ánh sầu vương giấc hồ 
Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. 

Bản dịch của J. Leiba: 
Thuyền dạo hồ Đông muôn dặm chơi 
Quạ kêu trăng lặn, nước mờ khơi 
Hàn San vẳng tiếng chuông chùa sớm 
Cây bến đèn ngư, não mộng người.

Bản dịch Trần Dương Hân:
Đêm ở Phong Kiều 
Quạ kêu sương phủ trăng tà
Bến phong le lói lửa chài buồn tênh 
Chùa Hàn San xa thị thành 
Nửa đêm vẳng tiếng chuông thanh đến thuyền 
Năm bản dịch của Vương Hải Đà: [4]

Đêm neo thuyền Cầu Phong
1. Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ 
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng 
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ...

2. Nguyệt tà, quạ lảnh lót kêu sương 
Ánh lửa cầu phong vỗ mộng thường 
Bến vắng Cô Tô thuyền lẻ bóng 
Hàn Sơn rền rĩ khách nghe chuông.

3. Trăng lặn, sương đầy, tiếng quạ kêu 
Bến phong, ánh lửa, giấc đìu hiu 
Cô Tô quạnh quẽ thuyền neo bến 
Chuông đổ Hàn Sơn vẳng tiếng đều.

4. Quạ kêu, trăng lặn, sương đầy 
Bến phong, lửa đóm, sầu say giấc hồ 
Hàn Sơn khuất bến Cô Tô 
Nửa đêm thuyền khách thẫn thờ nghe chuông...

5. Bên trời trăng xuống quạ kêu sương 
Lửa rọi bờ phong đối mộng trường. 
Thuyền khách Cô Đài đêm vắng vọng 
Chuông chùa buông nhẹ chút sầu vương.

Bản dịch của Hữu Nguyên:
Quạ kêu, trăng lặn, ngút trời sương 
Phong bãi, đèn câu đắm mộng trường 
Đêm vắng Cô Tô thuyền khách đậu 
Chuông Hàn San tự thoảng đưa sang.

Hai bản dịch của Phạm Vũ Thịnh:
Ðêm Neo Bến Phong Kiều
1. Trăng tà quạ rúc trời sương
Cây im lửa đóm nằm suông hững hờ
Nửa đêm neo bến Cô Tô
Hàn Sơn vẳng tiếng chuông chùa buồn tênh

2. Trăng tà quạ rúc trời đầy sương
Cây im lửa đóm người nằm suông
Cô Tô bến lặng đêm già nửa
Chùa cổ Hàn Sơn vẳng tiếng chuông 
Bản dịch của Nguyễn Ngọc Ẩn: 
Quạ kêu, trăng lặn, sương mù
Ðêm nằm không ngủ, cây ru lửa chài
Cô Tô đậu chiếc thuyền ai
Nửa đêm vọng tiếng chuông dài Hàn Sơn

Hai bản dịch của Ái Cầm:
Thuyền đậu bến phong kiều 
1. Quạ kêu trăng khuyết trên cành sương 
Đốm lửa hắt hiu giữa đêm trường 
Cô Tô thuyền đỗ sầu in bóng 
Hàn Sơn Chùa vọng tiếng chuông ngân

2. Trăng khuyết trên cành sương quạ kêu 
Lửa chài sông quạnh bến cô liêu 
Cô Tô thuyền đậu trong đêm vắng 
Chuông Hàn Sơn động sóng đìu hiu

Bản dịch của Hạt Cát:
Quạ kêu sương lạnh trăng tà 
Đèn chài giấc muộn la đà bến sông 
Chùa Hàn trầm bổng hồi chuông 
Nửa đêm gọi khách bềnh bồng Cô Tô.

Bản dịch của Thích Quảng Sự:
Nhạn kêu trăng lặn đêm sương 
Bến sông ánh lửa sầu vương thẫn thờ 
Hàn Sơn vẹn ngoại Cô Tô 
Tiếng chuông lay tỉnh giấc hồ nửa khuya.

Bản dịch của Thích Chiếu Sáng:
Quạ kêu sương tỏa, trăng xế nghiêng, 
Lửa chài cây bến, giấc cô miên. 
Ngoài Cô Tô, chùa Hàn Sơn vắng, 
Đêm muộn chuông ngân vọng đến thuyền.

Bản dịch của Phụng Hà:
Quạ kêu, trăng lặn đẫm sương đêm, 
Lửa chài cây bến, khách buồn tênh. 
Ngoài lũy Cô Tô chùa Hàn vắng, 
Đêm muộn thuyền nghe tiếng chuông rền.

Bản dịch của Ngô Văn Phú:
Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều
Quạ kêu, trăng xế ngang đầu 
Lửa chài cây bến gối sầu ngủ mơ 
Thuyền ai ngoài bến Cô Tô 
Nửa đêm lạnh tiếng chuông chùa Hàn San

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu:
Sương mờ, quạ giục ánh trăng phai 
Cây bến sầu mơ ngọn lửa chài 
Ngoài ngõ Cô Tô chùa núi Lạnh 
Nửa đêm chuông vọng tới thuyền ai

Bản dịch của Bùi Khánh Đản:
Trăng lặn sương mờ nghe tiếng quạ 
Lửa chài cây ánh giấc chưa yên 
Cô Tô bên mái Hàn Sơn tự 
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền

Bản dịch của Đông A:
Nào có chuông đâu tỉnh giấc sầu
Trời sương tiếng quạ lạnh đêm thâu
Mơ mơ trăng lạc Phong Kiều bến
Chỉ thấy mây đen phủ kín đầu

Bản dịch của Nguyễn Hà:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều 
Tiếng quạ kêu sương, nguyệt cuối trời 
Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài 
Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại 
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai... 

Bản dịch của Khương Hữu Dụng: 
Tiếng quạ hờn trăng sương phới buông
Lửa chài phong bến giấc nằm suông
Chùa Hàn ngoài dãy Cô Tô ấy
Thuyền khách khuya vừa đến tiếng chuông

Bốn bản dịch của Vương Văn Ký: [4]
Thuyền đêm đậu bến Phong Kiều 
1. Quạ kêu trăng lặn đầy sương,
Phong in bến lửa chài vương mộng sầu.
Chuông Hàn San Tự Cô Tô,
Nửa đêm vọng lại thẫn thờ thuyền ai.

2. Quạ kêu trăng lặn sương rơi,
Phong in bến, lửa chài khơi mộng sầu.
Chuông Hàn San Tự Cô Tô,
Nửa đêm đánh thức khách đò trong sương

3. Quạ kêu trăng lặn sương đầy,
Phong in bến mộng, lửa chài sầu vương.
Cô Tô San Tự buông chuông,
Nửa đêm thức tỉnh khách buồn bên sông.

4. Quạ kêu trăng lặn trời đầy sương,
Phong bến lửa chài sầu mộng vương.
San Tự Cô Tô chuông vẳng lại,
Khách đò tỉnh giấc giữa đêm trường.

Hai bản dịch của Vương Uyên:
1. Trăng khuất quạ kêu trời phủ sương 
Lửa chài bến nước cõi sầu vương 
Cô Tô đêm vắng thuyền ai đậu 
Tĩnh lặng Hàn San vọng tiếng chuông 

2. Trăng tàn sương phủ quạ kêu 
Lửa chài, bến nước, dệt thêu mộng sầu 
Cô Tô tĩnh mịch đêm thâu 
Hàn San chuông điểm thuyền câu lặng tờ 

Bản dịch của Nguyễn Thế Nữu:
Quạ kêu, trăng lặn, trời đầy sương 
Phong bến, lửa chài, sầu mộng vương 
Chùa ngoại thành Tô, trên núi Lạnh 
Nửa đêm thuyền khách nằm nghe chuông 

Bản dịch của Đinh Vũ Ngọc:
Ban đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều 
Quạ kêu, Sương phủ, Trăng thâu 
Lửa chài, Cây bến lặng sầu trong mơ 
Cô Tô, Chùa vắng khuya mờ 
Tiếng chuông tìm viếng khách thơ trong thuyền

Bản dịch của Nguyễn Khuê:
Trăng lặn quạ kêu trời phủ sương 
Lửa chài cây bến giấc sầu vương 
Chùa Hàn ngoài ải Cô Tô vắng 
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông

Bản dịch của KD:
Trời sương, trăng lặn, quạ kêu luôn 
Ngủ đối cầu Phong lửa cá buồn 
Thuyền đậu thành Tô chùa núi Lạnh 
Nửa đêm chuông nện tiếng boong boong

Bản dịch của Nguyễn Hùng Lân:
Trăng tà quạ gọi sương lên 
Bờ cây chài lửa đôi bên giấc sầu 
Chùa Hàn San giữa đêm thâu 
Tiếng chuông thành ngoại đưa vào thuyền nhân

Bản dịch của Nguyễn Đình Sài:
Cầu Phong, đêm neo thuyền 
(Bát Ngôn Tứ Tuyệt)
Trăng lặn quạ kêu sương xuống đầy trời 
Cây bến đèn chài sầu mộng khôn nguôi
Ngoại thành Cô Tô từ Hàn San tự
Nửa đêm chuông vọng tới tận thuyền người

(Song Thất Lục bát) 
Trăng vừa lặn quạ kêu sương phủ 
Bến phong đèn ngư ủ giấc buồn 
Cô Tô cổ tự Hàn San 
Nửa đêm vọng tiếng chuông lan tới thuyền

Bản dịch của TH.Nguyen: 
Trăng lặn, sương mờ, tiếng quạ kêu 
Bên sông ánh lửa hắt đìu hiu 
Cô Tô ẩn bóng Hàn San tự 
Nửa đêm chuông vọng bến Phong Kiều.

Bản dịch của Lê Phương Nguyên:
Trăng tà, quạ gọi, sương sa 
Đèn câu nghiêng giấc sầu qua cây bờ 
Chùa Hàn San, núi Cô Tô 
Nửa đêm thuyền khách mơ hồ tiếng chuông.

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget