(Haitaynamkg) Thời Trung Cổ, con người được đốt trĩ bằng sắt nóng đỏ, khoan lỗ trên hộp sọ mà không có thuốc gây mê, dùng vật nhọn chọc bỏ thủy tinh thể.
Đốt trĩ bằng sắt nung nóng thời Trung Cổ. (Ảnh: CC).
Khoan lỗ trên hộp so được thực hiện mà không có thuốc gây tê như ngày nay. (Ảnh: Wellcome Trust).
Ống kim loại được đâm từ niệu đạo lên bàng quang để chữa chứng tắc tiểu. (Ảnh: CC).
Những cách chữa bệnh kinh dị thời Trung Cổ
Thực hiện các thủ thuật thiếu vệ sinh và không có thuốc gây tê, các quy trình chữa bệnh thời Trung Cổ thường gây nhiều đau đớn và để lại các di chứng nặng nề.
Đốt trĩ bằng sắt nung nóng
Các tài liệu thời Trung Cổ ghi lại việc bác sĩ dùng thanh sắt nung nóng đốt cháy búi trĩ để chữa trị cho bệnh nhân. Phương pháp này đã được Hippocrates nhắc đến ngay từ năm 400 trước Công nguyên: "Cho bệnh nhân nằm sấp, đặt một chiếc gối dưới bộ phận sinh dục, sau đó dùng các ngón tay nới rộng lỗ hậu môn càng nhiều càng tốt, làm nóng đỏ thanh sắt rồi đốt cháy búi trĩ cho tới khi khô lại và không còn phần nào sót lại."
Đốt trĩ bằng sắt nung nóng thời Trung Cổ. (Ảnh: CC).
Y thư này cũng mô tả, thầy thuốc sẽ "tìm thấy búi trĩ mà không gặp khó khăn gì, bởi chúng nhô ra như những chùm nho tối màu trong đường ruột, và khi bị phanh mở, hậu môn có thể phun máu".
Thời kỳ này, bệnh nhân còn chữa bệnh theo một cách khác là tìm tới cầu nguyện Thánh Fiacre, được cho là vị thần hộ mệnh cho những người bị bệnh trĩ. Tới thế kỷ 12, bác sĩ người Do Thái Moses Maimonides tìm ra một phương pháp mới ít đau đớn hơn cho bệnh nhân trĩ là ngâm mình trong bồn tắm.
Khoan hộp sọ
Việc khoan lỗ trên sọ người đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm với các bằng chứng có niên đại từ năm 6500 trước Công nguyên. Tới thời Trung Cổ, đây vẫn là một thủ thuật phổ biến. Trong khi các bác sĩ phẫu thuật cho rằng khoan mở hộp sọ sẽ giúp giảm áp lực cho não (nhằm chữa chứng động kinh, đau nửa đầu hay các rối loạn tâm thần), vẫn tồn tại niềm tin rằng phương pháp phẫu thuật này sẽ tống xuất quỷ dữ ra khỏi cơ thể người bị ám theo lỗ khoan trên đầu.
Khoan lỗ trên hộp so được thực hiện mà không có thuốc gây tê như ngày nay. (Ảnh: Wellcome Trust).
Bằng chứng về ca phẫu thuật khoan hộp sọ thời Trung Cổ được phát hiện năm 2004 ở hạt Yorkshire, Anh. Hộp sọ được xác định của một người đàn ông 40 tuổi, sống vào khoảng năm 900-1100.
Nạn nhân bị đập vào sau đầu, khiến phần bên trái phía sau hộp sọ nứt vỡ sâu nghiêm trọng. Sọ nạn nhân được mở một lỗ hình chữ nhật, dài 9-10 cm, làm giảm áp lực lên bộ não và cho phép gắp các đoạn xương vỡ ra. Sau đó, xương đầu lành lại, thể hiện qua các mô sẹo cứng. Ca phẫu thuật đã cứu sống người đàn ông.
"Nhiều khả năng ca phẫu thuật được thực hiện bởi một người chữa bệnh lưu động với những kỹ thuật khác thường, được kế thừa bằng truyền miệng. Bệnh nhân có thể đã tham gia một trận ẩu đả trong quán rượu, bị cướp hoặc gặp nạn trong cuộc thanh trừng do hận thù gia đình vào thời Trung Cổ", Simon Mays, một chuyên gia sinh học tại Trung tâm Di sản Khảo cổ Anh cho biết.
Đâm vật nhọn vào mắt chữa đục thủy tinh thể
Để chữa thuỷ tinh thể bị đục, các bác sĩ thời Trung Cổ đâm dụng cụ có đầu nhọn như dao hay cây kim lớn xuyên qua giác mạc, hút thủy tinh thể ra ngoài xuống đáy mắt. Các ca phẫu thuật thủy tinh thể nguy hiểm thời này chỉ thỉnh thoảng mới thành công, đa phần bệnh nhân bị nhiễm trùng hoặc tổn thương mắt nặng nề.
Sau này, kỹ thuật hút thủy tinh thể thay thế các vật cứng nhọn đầu bằng ống rỗng chọc vào màng cứng (sclera) màu trắng của mắt.
Thay máu
Thay máu là một trong những cách trị bệnh phổ biến nhất thời Trung Cổ, được áp dụng cho nhiều loại bệnh. Các bác sĩ thời đó nghĩ rằng máu dư thừa tích tụ trong cơ thể là nguyên nhân gây bệnh. Do đó, họ tin rằng loại bỏ một lượng máu lớn ra ngoài sẽ giải thoát con người khỏi bệnh tật.
Bệnh nhân được thay máu bằng cách cho đỉa hút máu hoặc dùng dao rạch mở tĩnh mạch. Thay máu phổ biến tới mức phải đến nửa sau thế kỷ 19 các bác sĩ mới bắt đầu hoài nghi về hiệu quả của nó.
Mổ bắt con
Sinh nở đặc biệt nguy hiểm vào thời Trung Cổ, các thai phụ thường được yêu cầu thú tội trước khi lâm bồn để chuẩn bị cho cái chết đang treo lơ lửng. Thời kỳ này, liều thuốc giảm đau duy nhất cho người phụ nữ lúc sinh nở chỉ là thảo mộc và những lời cầu nguyện.
Ca mổ bắt con chỉ được thực hiện khi sản phụ đang hấp hối hoặc đã tử vong, với nguy cơ chết người rất cao. Một trong những ca mổ bắt con thành công đầu tiên được y văn ghi lại là vào năm 1610, do Jeremiah Trautman thực hiện tại Wittenberg, Đức.
Dùng ống kim loại thông tiểu
Ống kim loại được đâm từ niệu đạo lên bàng quang để chữa chứng tắc tiểu. (Ảnh: CC).
Tắc tiểu, hậu quả của bệnh giang mai, sỏi thận hay những căn bệnh truyền qua đường sinh dục được chữa trị bằng một ống kim loại. Ống được đâm xuyên từ niệu đạo lên bàng quang để đưa nước tiểu ra ngoài. Một bản mô tả trong tác phẩm Chirurgia của bác sĩ phẫu thuật người Anh John Arderne vào thế kỷ 14 còn mô tả lại một ca chữa sỏi thận bằng phương pháp này:
"Nếu trong bàng quang có sỏi, làm theo các bước sau: Để một người lực lưỡng ngồi trên một cái ghế dài và đặt chân trên ghế đẩu; bệnh nhân ngồi trên đùi người đó, hai chân buộc lên cổ với dây băng hoặc giữ cố định trên vai của các phụ tá. Bác sĩ đứng trước bệnh nhân, cho hai ngón tay phải vào hậu môn bệnh nhân, ấn bàn tay trái vào vùng bụng dưới của bệnh nhân. Bác sĩ dùng các ngón tay kiểm tra vùng bàng quang, nếu phát hiện vật thể tròn và cứng thì đó chính là hòn sỏi trong bàng quang. Nếu muốn lấy sỏi thận ra ngoài, cần tuân theo thực đơn nhẹ và nhịn ăn trong hai ngày.
Vào ngày thứ 3, xác định vị trí viên sỏi, đưa sỏi xuống cổ bàng quang, tại lối ra với 2 ngón tay bên trên hậu môn, rạch một đường theo chiều dọc của ống thông và lấy viên sỏi ra ngoài".
Đăng nhận xét