2017
1001 bí ẩn nhân loại 3D - 6K - Bluray Video Full Adobe After Effects Adobe Collection Adobe Dreamweaver Adobe Flash CS6 Adobe InDesign CC Adobe Photoshop Ảnh cấm trẻ em dưới 18+ Ảnh giải trí Trung Quốc Ảnh nghệ thuật 3D Ảnh Nude Bí quyết sống khỏe mỗi ngày Bí quyết trị mụn Chuyện của Adam Chuyện của Eva Chuyện gì cũng biết Công dụng - Ngôn ngữ hoa Du lịch Miền Tây Du lịch Miền Trung - Bắc Du lịch thế giới Đồ họa Collection Ecosphere For baby Collection Góc mua sắm Hoa đẹp bốn mùa nên xem Hoa Phong Lan Hòn non bộ Phong thủy Iêu công nghệ mới Khám phá khảo cổ học Khám phá khoa học Khám phá Sinh học Kho công cụ hỗ trợ dựng Flim Kho sách khổng lồ Không gian đẹp Khu vườn đẹp Phong thủy Kỹ thuật chăm sóc hoa Làm đẹp toàn với thiên nhiên Lập trình - Đồ án Món ngon nhớ lâu Món ngon từ Nam ra Bắc Nghệ thuật âm nhạc Nguồn gốc lịch sử Nhạc chất lượng cao file gốc Nhạc độc - hiếm Nhạc mp3 Collection Những bài thơ tình yêu lãng mạn hay nhất Phần mềm làm Video - Nhạc Rau - Củ - Quả với sức khỏe Scandal - Sock Star - Showbiz Thế giới động vật Thơ tình có lời bình Thơ về Thầy cô - mái trường thân iêu Thủ thuật download nhạc - Video Online Thủ thuật HĐH Windows - Ghost Windows Thủ thuật Windows 10 Thủ thuật Windows 7 Thủ thuật Windows 8 Thuốc quý cho Adam - Eva Tôi iêu Việt Nam Tổng hợp tất cả về Photoshop Trang thơ tình Collection Tri thức nhân loại Triết lý sống Về An Giang Về Bình Định Về Đà Nẵng Về Khánh Hòa Về Kiên Giang Về Lào Cai Về Miền Tây Về Ninh Thuận Về Quảng Nam Về thành phố Hồ Chí Minh Video Asia Full Video ca nhạc Video gì cũng có Collection Video hướng dẫn tập Yoya Video Thúy Nga Paris by Night Full Why do we die? Y học - Sức khỏe kỳ diệu

(Haitaynamkg) Tìm hiểu về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc

Bạn đã bao giờ nghe bài thơ Phong kiều dạ bạc (Đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều, A Night Mooring near Maple Bridge) của Trương Kế (Zhang Ji), một thi sĩ đời Đường (618-907) chưa? Trong bài thơ này Trương Kế nhắc đến tiếng chuông chùa vang vọng giữa đêm khuya ở chùa Hàn San. “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền." (Bản dịch Anh ngữ là “Away from the town of Suzhou stands Hanshan Temple, The chime of its midnight bell reaches as far as my boat" [8], [9]). Sự vi diệu của tiếng chuông chùa lúc nửa đêm đã giúp cho chàng thi sĩ họ Trương hoàn thành nốt bài thơ thất ngôn tứ tuyệt và từ đó Hàn San tự trở thành một địa danh được nhiều người biết đến, đặc biệt là về tiếng chuông chùa và nền văn hóa Phật giáo. Có người đã nói “Đến Tô Châu mà không thăm Hàn San Tự thì chẳng khác nào tới Paris mà không vào bảo tàng Louvre hay leo tháp Eiffel vậy.”[15] Chúng ta thử tìm hiểu đôi nét về ngôi chùa Hàn San và bài thơ Phong kiều dạ bạc.


Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, 
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. 
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa:
Cầu Phong, đêm neo thuyền 
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời, 
Trong giấc ngủ buồn có cây phong ở bến sông và ngọn lửa thuyền chài. 
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San, 
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách. 
Nguyễn Hàm Ninh xưa ở nước ta đã dịch bài thơ này sang thể lục bát:

Đêm thuyền đậu bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(Tạp chí Văn Học, số 191, tháng 03 năm 2002, trang 36)

Theo [1] “Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà, được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.”

Một nhà nghiên cứu khác lại nêu quan điểm: “Bản dịch của Trần Trọng San, cùng thể, vừa giữ được ý thơ lãng mạn lại vừa giữ được nét cứng cỏi của thất ngôn. Bản dịch, tôi thiết nghĩ đáp được hai yêu cầu của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, thứ nhất là Cô Tô là thành lũy chứ không phải bến và thứ hai là tính chủ động của tiếng chuông chùa ở câu bốn. Cô Tô vốn là tên ngọn núi ở phía tây nam Ngô huyện, thuộc tỉnh Giang Tô.

Chính ở đây, xưa vào thời Đông Chu (770 đến 314 trước Công nguyên), Ngô vương Phù Sai đã xây đài cho Tây Thi. Vì thế mà tác giả Trần Trọng San dùng chữ "lũy" ở câu ba trong bài dịch ra tiếng Việt.” [12]

Bản dịch của Trần Trọng San:
Nửa đêm đậu bến Phong Kiều
Trăng tà, tiếng quạ vẳng sương rơi,
Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài. 
Ngoài lũy Cô Tô, chùa vắng vẻ, 
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai. 
(Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 114, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972)

Tuy nhiên cũng có tác giả khác nhận định: “ Phong kiều dạ bạc là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng của Trung Quốc mà hầu hết ai đã đọc thơ Đường đều biết. Bài thơ này đã được nhiều nhà thơ cũng như nhiều nhà Hán học Việt Nam tuyển dịch trong nhiều công trình. Trong số đó bản dịch của Tản Đà được người đọc đánh giá khá cao không chỉ vì thể thơ quen thuộc, vì ngôn ngữ uyển chuyển tinh diệu mà vì thấm được cái hồn của tác giả Trương Kế.” [14]

Bản dịch của Tản Đà:
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương 
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ 
Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 115, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba 1972)

Trong quá trình tham khảo tài liệu chúng tôi đã đối chiếu một số bản dịch khác nhau của cùng một dịch giả đã được đăng tải trên một số website và một số diễn đàn để tìm ra bản dịch chính xác nhất trong điều kiện cho phép. Có khoảng 50 bản dịch Việt ngữ của 31 dịch giả xưa và nay đã tổng hợp được. Ngoài một số bản dịch hơi thoát ý thì hầu hết các bản dịch đều diễn tả được sự chính xác của nguyên bản chữ Hán như các chữ nguyệt lạc (trăng lặn), ô đề(tiếng quạ kêu), sương mãn thiên (sương đầy trời), giang phong (cây phong ở bến sông), ngư hỏa (ngọn lửa chài trên thuyền), sầu miên (giấc ngủ buồn), chung thanh (tiếng chuông)… rất đáng trân trọng. Bên cạnh đó cũng có 9 bản dịch Anh ngữ được tìm thấy trên internet. Do sự giới hạn số trang của bài báo nên chúng tôi xin phép không đăng lại nơi đây.

Ngược dòng thời gian, chúng ta thử tìm hiểu về ngôi chùa Hàn San, một ngôi chùa nhỏ nhưng “đã nổi tiếng và đi vào lịch sử văn hóa phương Đông” [15] và là một trong mười ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Quốc hiện nay.

Đôi nét về ngôi chùa Hàn San [2], [8], [9], [15], [16]

Bảng tên chùa Hàn San (ảnh: Nguyễn Được)

Chùa Hàn San (tên trước đây là Diệu Lợi Phổ Minh tháp viện) tọa lạc ở thị trấn Phong Kiều, thành phố Tô Châu, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Chùa được xây dựng từ thời Nam Triều của đời Lương (502-557) (nhưng đến đời Đường chùa mới có tên là Hàn San. Hàn San ở đây chẳng có nghĩa là “núi lạnh” (Cold Mountain Temple hay Temple of Cold Hill như một số bản dịch sang tiếng Anh, mà đơn giản chỉ là tên một vị cao tăng đã trụ trì ở đó) và được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong. Đến thời Đường (618-907), Phật giáo được chú trọng nên chùa Hàn San cũng được tạo điều kiện tốt nhất để trở thành nơi đào tạo tăng tài và hoằng dương chánh pháp. Tương truyền rằng hai vị cao tăng đời Đường là Hàn San và Thập Đắc đã đến trụ trì ở chùa này và từ đó có tên là Hàn San tự.

Có thể nói rằng tuy không lớn và đẹp như những ngôi chùa khác nhưng “Chùa Hàn San đã nổi tiếng và đi vào lịch sử văn hóa phương Đông là nhờ ở tiếng chuông. Tiếng chuông chùa nổi tiếng là nhờ bài thơ của Trương Kế. Nhưng thật ra Hàn San tự còn nổi tiếng bởi đôi ẩn sĩ Hàn Sơn và Thập Đắc. Theo sử sách, Hàn Sơn còn được gọi là Hàn Sơn Tử, sống vào thời Trịnh Quán, đời Đường. Là thi sĩ, tăng sĩ, cùng với Thập Đắc và Phong Can làm nên “Quốc Thanh tam ẩn”. Ông sống ẩn dật, cơ hàn trong hang đá ở núi Thiên Thai (Chiết Giang), thường đến chùa Quốc Thanh do thiền sư Phong Can trụ trì, để thăm bạn là thi tăng Thập Đắc. Hàn San có hành trạng cổ quái và tính khí khác thường lời kể lại của người xưa như đội mũ vải gai, chân đi guốc gỗ, mặc áo choàng lam, xốc xa xốc xếch, cười hát tự nhiên... Còn Thập Đắc thì chỉ biết là bị bỏ rơi từ nhỏ trong rừng, được sư Phong Can tìm thấy và đem về chùa nuôi dưỡng (Thập Đắc có nghĩa là nhặt được), chuyên trông nom nhà bếp trong chùa. Cả hai là đôi bạn cuồng sĩ này thường bá vai nhau, cười la nhảy múa và đi lại khắp nơi. Hai ông thường lui tới chùa nên thiền sư Hy Thiên đặt tên chùa là Hàn San để làm kỷ niệm... Tuy nhiên, liên quan tới cái tên này, có người lại kể một câu chuyện khác. 

Chuyện rằng, tại một miền quê nhỏ có hai chàng trai Hàn San và Thập Đắc thân thiết với nhau như hai anh em. Tới một ngày cha mẹ hỏi vợ cho Hàn San, thì cô dâu lại chính là người yêu của Thập Đắc. Không muốn làm đau lòng bạn, Hàn San lẳng lặng từ hôn, bỏ quê ra đi. Phiêu dạt đến Cô Tô, anh đã dừng chân tại ngôi chùa này. Trong khi đó, nghĩ rằng vì mình mà Hàn San phải tha hương, Thập Đắc cũng bỏ quê đi tìm anh. Cuối cùng hai người gặp nhau và cùng tu tại chùa này.” [15] Chuyện ấy thực hư thế nào không biết được. Cũng không rõ cô gái ấy là ai, tên gì, và cũng không biết có nên đối xử với cô gái ấy như thế không. Nhưng có một điều chắc chắn là tình bạn của Hàn San-Thập Đắc đã được dân gian khắc tạc thành một biểu tượng. Trong chùa hiện có nhiều tranh tượng của Hàn San và Thập Đắc. Ngoài ra, ở sau chánh điện còn có một ngôi điện khác được gọi là Hàn-Thập điện. “Giữa Hàn-Thập điện là một nhóm tượng rất sinh động, thếp vàng sáng chóe đặt trên cao với Hàn San đứng cầm một bông hoa sen, còn Thập Đắc ngồi cầm một cái bình. Hoa sen (liên hoa) còn được gọi là hà hoa, hà gần âm với hòa. 

Cho nên, nếu nhìn từ bên phải qua, theo cách đọc của người Trung Quốc, người ta thấy hiện lên hai chữ “hòa bình”. Bây giờ, mỗi khi người Trung Quốc thấy vợ chồng, anh em, bạn bè, đối tác làm ăn với nhau mà bất hòa, xích mích thì cùng kéo nhau đến đây, quì lạy trước hai vị Hàn -Thập để hóa giải mọi mâu thuẫn, cầu mong sự thuận hòa...” [16]

Đôi bạn Hàn San và Thập Đắc (ảnh [9])

Đầu thời Thái Bình Thiên Quốc (976-984), thời Bắc Tống (960-1127), Tiết đô sứ quân Trung Ngô là Tôn Thừa Hiệu cho xây dựng lại Phật tháp. Vào năm Gia Hựu (1056-1063) vua Tống Nhân Tông ban cho chùa tên là Phổ Minh thiền viện. Năm Thiệu Hưng thứ 4 (1134), chùa Hàn San lại được trùng tu và bảo quản kỹ lưỡng. Cuối đời Nguyên chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Năm Hồng Vũ (1368-1398) đời Minh chùa lại được đại trùng tu. Năm Hàm Phong thứ 10 (1860) đời Thanh thì cả vùng Phong Kiều, Tô Châu gặp nạn binh hỏa, hầu như tất cả các điện Phật, lầu gác, cửa chùa đều biến thành tro bụi. Năm Quan Tự thứ 32 (1906) tuần phủ Tô Châu là Trần Quí Long tìm hiểu tư liệu gốc về Chùa rồi mở các đợt quyên góp kêu gọi hằng tâm hằng sản của thập phương bá tánh để tu sửa, đúc chuông, làm lầu gác… Năm Tuyên Thống thứ 23 (1910), tuần phủ Trình Đức Toàn, Bố chính sứ lục Trung Kỳ, lại cho trùng tu và mở rộng nên chùa trở ngày càng nên khang trang. 

Từ đầu thập niên 1950 đến những năm sau này, chùa Hàn San lại được nhiều lần tu sửa và mở rộng. Do đã trải qua nhiều lần trùng tu nên đến bây giờ chùa không còn giữ được nét kiến trúc như thủa ban xưa nữa mà lại mang những đường nét kiến trúc tiêu biểu của đời Thanh (1644-1911) với tổng diện tích của chùa khoảng chừng 10.600 m2 (3 acres). Có nhiều chứng tích lịch sử của chùa như tượng hai ngài Hàn San và Thập Đắc (sau này trở thành Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát) do La Sính và Trịnh Văn Trác sáng tác, tảng đá khắc bài thơ Phong kiều dạ bạc và các bia thư pháp của một số danh gia từ đời Tống, Minh trở về sau như Nhạc Phi, Trương Tức Chi, Đường Diễn, Văn Trưng Minh, Dũ Việt và Khang Hữu Vi làm tăng thêm nét văn hóa cho cảnh quan của chùa.

Một trong các bia thư pháp được đặt trong khuôn viên chùa 
(ảnh: Nguyễn Được)

Sân chùa nằm ở hướng đông, chiếm diện tích 6 vạn m2. Hai phía đông và tây có tường cửa, Đại Hùng Bảo điện, Hàn-Thập điện, Tàng Kinh lâu và Pháp Minh phổ viện. Phía bắc của chùa có Sương Chung các, La Hán đường, Hàn Thập tuyền, Hàn Thập đình, Phương Trượng thư trai và Tăng xá. Phía nam có Phong Giang lâu, Hoằng Pháp đường và Tháp Chuông. Vào năm 1996, Ngọc Tháp Bảo Minh được xây mới gồm 5 tầng với chiều cao 42 mét (138 feet) và bốn mặt lầu gác theo kiểu kiến trúc đời Đường. Do có dáng vẻ khá nguy nga và hùng tráng nên tháp đã trở thành một biểu tượng mới của chùa Hàn San ngày nay.

Ngọc Tháp Bảo Minh (ảnh: Nguyễn Được)

Là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, chùa Hàn San thường được mọi người nhớ đến qua tiếng đại hồng chung vang vọng từ thủa xa xưa. Không biết tự bao giờ “Phong Kiều vãn chung” (tiếng chuông chiều Phong Kiều) đã trở thành “Ngô Trung tuyệt cảnh” (cảnh đẹp tuyệt vời của đất Ngô Trung – tên cũ của thành phố Tô Châu). Thêm vào đó, hàng năm cứ đến giao thừa, thời điểm thiêng liêng và quan trọng nhất của của phút giao mùa, chùa Hàn San lại cử hành nghi thức Thính chung thanh nghênh tân niên (Nghe tiếng chuông đón mừng năm mới). Nhiều tín đồ và khách hành hương cả trong lẫn ngoài nước thường vân tập về chùa, lắng lòng thanh tịnh để nghe những âm thanh vi diệu 108 tiếng chuông được gióng lên đúng vào lúc 12 giờ đêm ngày cuối năm để xóa những nỗi ưu phiền trần thế (theo đạo Phật, mỗi người phải chịu đựng 108 nỗi ưu phiền khổ lụy; để đối trị với những phiền não này của kiếp người, ở chùa chúng ta thường nghe 108 tiếng chuông, chuỗi tràng hạt có 108 hạt bồ đề, niệm danh hiệu Phật 108 lần, lạy Phật 108 lạy…) và đồng thời cũng để cảm nhận được niềm hạnh phúc và may mắn trong dịp đầu năm. Đây cũng là dịp để mọi người cầu nguyện với bao ước vọng cao đẹp cho một năm mới hạnh phúc, an bình và thịnh vượng.

Đôi dòng về tác giả 
Thi sĩ Trương Kế sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông sinh vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông tại Tương Châu (nay là Tương Phàn) tỉnh Hồ Bắc. Ông có tự là Ý Tôn (cùng thời với Thôi Hộ, Mạnh Giao, Vương Kiến, Hàn Dũ ...). Ông thi đậu tiến sĩ năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo đời Ðường Huyền Tông (753) và giữ chức Diêm thiết phán quan, trông coi về việc mua bán muối và sắt trong Mạc phủ. Ông là người thông thái, có kiến thức rộng, say mê đàm luận. Sau đó, cuối Ðại Lịch đời Ðường Ðại Tông (766-779), ông vào triều làm chức Tự bộ viên ngoại lang. Thời gian làm việc sau cùng, về Hồng Châu (nay là Nam Xương, tỉnh Giang Tây) trông coi việc tài phú và ở tại đây cho đến cuối đời. Suốt đời, ngoài việc học hành thì công việc chủ yếu của ông là thương mại nhưng đồng thời ông cũng là người đa tình, đa sầu, đa cảm; thường làm thơ trong những lúc đi ngao du sơn thủy, ngắm cảnh thiên nhiên và đặc biệt là trong những giây phút ngẫu hứng. Trương Kế chỉ để lại một tập thơ là Trương Từ bộ thi tập, trong đó nổi tiếng nhất là bài Phong kiều dạ bạc. Cao Trọng Vũ, người đồng thời, trong Trung Hưng giang khí tập đã viết về Trương Kế như sau: “Ông ta làm thơ không gọt dũa hay điểm trang. Cùng với bạn bè thi đàn anh tú đương thời, thể thơ của ông mới mẻ, mang phong cốt của kẻ có đạo.”

Tượng thi sĩ Trương Kế ở Tô Châu (ảnh: [8])

Về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Phong kiều dạ bạc thì lúc ấy Trương Kế là một thư sinh ở miền quê khăn gói lên kinh thành để dự cuộc thi lớn nhưng chẳng may chàng đã thi trượt kỳ thi quan trọng này. Trên đường trên đường từ trường thi trở về nhà chàng, con thuyền của chàng đậu lại qua đêm để chờ con nước ở bến Phong Kiều trên dòng kênh Đại Hà (con kênh đào bằng sức người dài nhất trên thế giới từ thời cổ, nối liền miền Bắc và miền Nam Trung Hoa) vào một chiều hoàng hôn trong sắc thu màu lá.

Bến Phong Kiều(ảnh: [17])

Đêm năm ấy chàng trằn trọc mãi không ngủ được, một phần vì nỗi buồn thi hỏng, buồn cho số phận hẩm hiu của mình, phần khác là nỗi buồn vì xa quê lâu ngày. Chàng bước ra khoang thuyền ngước mắt nhìn lên bầu trời thấy ánh trăng bị mây mù che khuất, trong đêm khuya vắng vẻ thỉnh thoảng lại nghe tiếng quạ kêu thật não lòng và phía bên kia sông có ánh lửa của những chiếc thuyền chài lập lòe trong đêm tối. Trong một tâm trạng u hoài cùng với một không gian và cảnh vật buồn bã thê lương như thế, tiếng chuông chùa ngân nga hòa quyện với niềm xúc cảm về đạo Phật đã làm cho chàng ngộ và hoàn thành bài thơ. Có lẽ người làm thơ trong khoảnh khắc xuất thần này cũng không ngờ rằng mình đã để lại một bài thơ mà sau này đã vượt qua cả không gian và thời gian; hơn ngàn năm sau vẫn còn lưu truyền hậu thế. Và ở một góc nhìn khác, có tác giả đã viết: “Một ngôi chùa, một tiếng chuông chùa qua hồn thơ của thi nhân mà trở nên bất hủ. Bài thơ của Trương Kế sẽ còn sống mãi trong lòng Phật tử với chùa Hàn San và tiếng chuông chùa… Kỳ diệu thay, Phật giáo và thơ ca đã giao hòa với nhau tự bao giờ xưa trên cõi đời này!” [2] Và “Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vẻn vẹn chỉ 28 chữ mà nói lên bao điều về đạo và đời. Hai câu đầu nói về cảnh mùa thu ở một bến vắng dưới cầu Phong (Phong Kiều) buồn lạnh và cô đơn. 

Đó là cảnh nhà thơ chấm phá vài nét bằng ngôn từ mà thành một bức tranh có màu sắc, đường nét và âm thanh. Nội dung toát lên qua hai câu thơ này là cảnh buồn, người buồn. Và đúng như Nguyễn Du đã nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Hai câu sau là nói về đạo. Đạo ở đây là đạo Phật được hiện lên ở một địa danh (là Hàn San tự - chùa Hàn San) và một danh từ (chung thanh - tiếng chuông chùa). Câu thơ giản dị, không điển tích mà làm cho người đọc cảm xúc về một ngôi chùa Hàn San ở ngoại thành Cô Tô, gần bến Phong Kiều và một tiếng chuông chùa trong đêm khuya thanh vắng.”[2] Tuy nhiên “Tiếng chuông chùa có "đến" với lữ khách hay nói cách khác, khách trên thuyền cũng như chúng sinh có "ngộ" được cảnh đời qua tiếng chuông hay không thì còn do cái "duyên" của từng người. Đây có lẽ là chỗ đắc ý nhất của tác giả: Tiếng chuông chùa không vang vọng đến người mà chỉ đến thuyền!” [10]

Ngày nay Cô Tô trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Hầu như các du khách đến đây đều ghé thăm chùa Hàn San để tận mắt nhìn thấy bài thơ này trên bức vách của chùa qua phán bút tuyệt vời của thi sĩ Tô Đông Pha và tảng đá khắc bài thơ qua thư pháp của Khang Hữu Vy.

Chùa Hàn San có thỉnh chuông vào lúc nửa đêm hay không?
Bài thơ Phong kiều dạ bạc đã trở nên nổi tiếng là nhờ nhà thơ đã đưa tiếng chuông chùa vào một trong hai câu cuối:“Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.” Tuy nhiên, hai câu này đã gây ra sự tranh luận văn học sôi nổi. Theo một nhà nghiên cứu thì “Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa đêm làm gì có tiếng chuông chùa”. Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ấu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy). Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì.” (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.) Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng: "Cái công vị thường chí Ngô Trung kim Ngô Trung tự thực bán dạ đả chung." (Vì ông không thường tới Ngô Trung [Tô Châu] chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc nửa đêm có đánh chuông thật.)

Chúng tôi cho rằng về ban đêm, ở các chùa thường không có đánh chuông nhưng cũng có những trường hợp cúng lễ bất thường nên "dạ bán chung thanh" cũng không phải là vô lý. Chính vì lẽ đó mà các nhà thơ từ đời Tống trở về sau mỗi lần qua bến Phong Kiều đều nhớ đến Trương Kế với cảnh "nguyệt lạc", "ô đề" và "dạ bán chung thanh."

Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết: “Thất niên bất đáo Phong Kiều tự, Khách chẩm y nhiên bán dạ chung.” (Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ.) Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự, Ỷ chẩm do văn bán dạ chung.” (Quạ kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa, Nằm gối đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương môn đã viết: “Tây phong chỉ tại Hàn San tự, Trường tống chung thanh giảo khách miên.” (Chỉ tại chùa Hàn San mà gió tây, Đưa xa tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.)

Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: “Kỷ độ kinh qua ức Trương Kế, Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh.” (Mấy lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế, Quạ kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: “Thủy minh nhân tĩnh Giang thành cô, Y nhiên lạc nguyệt đề sương ô.” (Nước trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng, Trăng lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.)

Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy các nhà thơ xưa ở Trung Quốc cũng đều nhắc lại cảnh "quạ kêu", "trăng lặn" và "tiếng chuông nửa đêm" như là những sự việc rất bình thường, không có gì đáng thắc mắc cả.” [1]

Đại hồng chung tại chùa Hàn San (ảnh: [9])

Liên quan đến quả chuông và tiếng chuông, có tác giả đã tìm hiểu, “Được xem là một trong những ngôi chùa danh tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, chùa Hàn San thường được nhiều người biết đến qua tiếng chuông vi diệu của chùa. Tuy nhiên, chiếc chuông được mô tả trong bài thơ của Trương Kế đã bị thất lạc từ thủa xa xưa. Chiếc chuông được đặt ở tháp chuông hiện nay đã được đúc lại (từ đời Thanh 1904) y hệt như chiếc trước đây. [9] Hoặc theo [15] thì “Tiếng chuông chùa Hàn San là một di sản văn hóa phi vật thể của Tô Châu. Chuông có thể vang xa hàng chục dặm vì đã được đúc theo bí quyết 6 phần đồng và 1 phần thiếc.”

Có một giai thoại lý thú giải thích về tiếng chuông chùa Hàn San vào lúc nửa đêm. [2], [6], [10], [11], [12]

Chuyện ghi rằng, vào đêm Trương Kế đậu thuyền tại bến Phong Kiều, trong lúc thao thức vì cảnh đẹp thiên nhiên và làm chỉ được hai câu đầu của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt như dự định mà thôi, nhà thơ bâng khuâng mãi vì chưa tìm được ý tưởng cho hai câu kế tiếp. Tuy nhiên vào thời điểm ấy không phải chỉ có một mình thi nhân không ngủ được mà có đến hai người khác nữa vì quá say mê thơ cũng trằn trọc không sao an giấc. Người thứ nhất là sư cụ trụ trì chùa Hàn San. Đêm đã khuya lắm rồi mà vẫn thầy vẫn còn thao thức vì không làm được hai câu cuối bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thầy chỉ làm được hai câu đầu rồi bị ngưng trệ ở đó, không sao viết tiếp được. Người thứ ba cũng trằn trọc trong đêm là chú tiểu trong chùa. Chú tiểu cũng là người yêu thơ. Lúc đó, sư cụ trụ trì thấy chú tiểu còn thức bèn đưa cho chú hai câu thơ mà mình đã làm ra nhưng không thể làm tiếp được kể kết thúc trọn vẹn bài thơ. Chú tiểu vừa đọc qua hai câu đầu của sư cụ liền xuất thần viết ra ngay hai câu sau. Sư cụ đọc qua, ráp nhau lại, nhận thấy cả bài thơ bốn câu hay quá:

Vọng sơ nguyệt
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không
Bản dịch của Trần Trọng San:
Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
(Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 116, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972)

Vô cùng mừng rỡ và nghĩ rằng Phật Tổ đã linh thiêng giúp đỡ cho đã giúp cho hai thầy trò ngẫu nhiên làm được một bài thơ ưng ý, Thầy bảo chú tiểu thắp hương và thỉnh chuông để tạ ơn đức Phật. Lúc đó, Trương Kế đang thao thức suy nghĩ về hai câu thơ sau, thì tiếng chuông chùa Hàn San vang ngân lên. Trong một đêm khuya mùa thu, sương phủ mờ cả dòng sông, Trương Kế nằm dưới thuyền lẻ loi đậu ở bến Phong Kiều trong tâm trạng buồn bã lại thêm có tiếng quạ kêu não nề vang vọng trên không trung thì bất ngờ thay tiếng chuông chùa Hàn San vẳng đến. Tiếng chuông chùa ngân vang, lay động cả màn sương. “Tiếng chuông lọt vào tai Trương Kế đang thao thức với tâm trạng lòng buồn, thơ cạn... Tiếng chuông như điệu kèn đam mê sâu đắm thoát ra từ cõi thơ. Hồn thơ của Trương Kế tưởng như đã lụi tàn trong nỗi buồn “đối sầu miên” bỗng trỗi dậy khi đột nhiên từ ngoài thành Cô Tô có tiếng chuông chùa Hàn San ngân nga vọng lại. Ông lắng nghe tiếng chuông và chợt tỉnh. Tiếng chuông nửa khuya vang lên rửa sạch lớp bụi trần gian của tâm thức đầy tục lụy. Cảm nhận giải thoát đến từ tiếng chuông. Tiếng chuông đến từ vô ngã. Một đời bôn ba trên trường khoa bảng của Trương Kế đã bị tiếng chuông cuốn phăng vào quá khứ. Hiện hữu là một sự tỉnh thức: là tâm trạng thoát tục; là khách cửa thiền. Nhà thơ bỗng cảm thấy tâm hồn lâng lâng thoát tục và ý thơ từ đâu ùa vào như nước lũ.” [14]

Và với tâm hồn cảm xúc với đạo Phật, hồn thơ Trương Kế đã lay động với sự vi diệu của tiếng chuông chùa, lập tức nhà thơ liền có ý để viết ra hai câu kết:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Và từ đó, trong kho tàng văn học sử Trung Hoa lại có thêm một kiệt tác Đường thi theo thể loại thất ngôn tứ tuyệt!

Thay lời kết
Đối với những ai đã từng học và yêu thích thơ Đường qua bốn thời kỳ Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường (618-907) thì có lẽ sẽ không bao giờ quên những tác phẩm bất hủ như như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Thạch Hào lại của Đỗ Phủ, Hiệp khách hành của Lý Bạch, Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Phong kiều dạ bạc của Trương Kế... Nay một lần nữa, chúng ta cùng đọc lại bài thơ Phong kiều dạ bạc để hiểu thêm phần nào lý do bài thơ ấy đã được phong là “Thiên cổ tuyệt xướng” (bài ca tuyệt vời ngàn xưa) cũng như tại sao “Phong kiều vãn chung” (tiếng chuông chiều Phong kiều) đã trở thành “Ngô Trung tuyệt cảnh” (cảnh đẹp tuyệt vời của đất Ngô Trung). Hơn thế nữa, “Từ đời Tống trở về sau, bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế được lưu truyền rộng rãi và được coi là thi phẩm ngợi ca đạo Phật hay nhất đời Đường và hậu thế”. [2]

Hồ Văn Tâm

Tài liệu tham khảo: 
1. Nguyễn Quảng Tuân, Đến Hàn San Tự để tìm hiểu bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế,
http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/191/nguyenquangtuan_phongkieudabac.htm
2. Hồ Sĩ Hiệp, Chùa Hàn Sơn trong hồn thơ Trương Kế, http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-hosihiep.htm
3. Hải Đà-Vương Ngọc Long, Trở lại với "Phong Kiều Dạ Bạc”, http://vuonghaida.com/VAN/PhongKieuDaBac.htm. 
4. Hải Đà, Đường Thi Tuyển Dịch,
http://www.vuonghaida.com/duongthituyendich1/DTTD.htm
5. Trương Kế, Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac.htm.
6. Lê Tấn Tài và Vương Văn Ký, Hàn San Tự và Từ Lâm Tự - đường vào lịch sử, Đặc san Quốc gia Hành chánh, Liên bang Úc Châu, 2007.
7. Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.mocgiatrang.com/forum/topic.asp?TOPIC_ID=1250
8. Attractions, 
http://www.travelchinaguide.com/attraction/jiangsu/suzhou/
9. Suzhou: Hanshan Temple,
http://chineseculture.about.com/library/gallery/suzhou/blghanshan.htm.
10. Trần Dương Hân, Hoàng Hạc Lâu và Phong Kiều Dạ Bạc, 
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-tranduonghan.htm.
11. Minh Tâm, Giai thoại về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.aihuucongchanh.com/baiviet/Phongkieu.html
12. Trần Long Hồ, Đọc lại Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-tranlongho.htm. 
13. Trần Kiêm Đoàn, Một đốm lửa thơ,
http://www.cuasotinhoc.com/lofiversion/index.php/t82876.html
14. Hà Quảng, Trao đổi thêm về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc,
http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-haquang.htm
15. Thu Tâm, Đến Tô Châu nghe chuông chùa Hàn Sơn,
http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=118250&ChannelID=219.
16. Duyên Trường, Đôi bạn chùa Hàn Sơn, 
http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=164168&ChannelID=371.
17. www.TravelChinaGuide.com.

Phụ lục: Một số bản dịch khác: [3], [5], [7]
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Quạ kêu, sương tỏa, trăng lui, 
Đèn chài, cây bãi, đối người nằm khô 
Chùa đâu trên núi Cô Tô 
Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya
(Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học sử Trung Quốc, quyển 2, trang 235) 

Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi 
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co 
Con thuyền đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn 
(Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn Học sử Trung Quốc, quyển 2, trang 235)

Bản dịch của Hồ Dzếnh:
Chiều tà chiếc quạ kêu sương 
Lửa chài vương ánh sầu vương giấc hồ 
Thuyền ai đậu bến Cô Tô 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. 

Bản dịch của J. Leiba: 
Thuyền dạo hồ Đông muôn dặm chơi 
Quạ kêu trăng lặn, nước mờ khơi 
Hàn San vẳng tiếng chuông chùa sớm 
Cây bến đèn ngư, não mộng người.

Bản dịch Trần Dương Hân:
Đêm ở Phong Kiều 
Quạ kêu sương phủ trăng tà
Bến phong le lói lửa chài buồn tênh 
Chùa Hàn San xa thị thành 
Nửa đêm vẳng tiếng chuông thanh đến thuyền 
Năm bản dịch của Vương Hải Đà: [4]

Đêm neo thuyền Cầu Phong
1. Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ 
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng 
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ...

2. Nguyệt tà, quạ lảnh lót kêu sương 
Ánh lửa cầu phong vỗ mộng thường 
Bến vắng Cô Tô thuyền lẻ bóng 
Hàn Sơn rền rĩ khách nghe chuông.

3. Trăng lặn, sương đầy, tiếng quạ kêu 
Bến phong, ánh lửa, giấc đìu hiu 
Cô Tô quạnh quẽ thuyền neo bến 
Chuông đổ Hàn Sơn vẳng tiếng đều.

4. Quạ kêu, trăng lặn, sương đầy 
Bến phong, lửa đóm, sầu say giấc hồ 
Hàn Sơn khuất bến Cô Tô 
Nửa đêm thuyền khách thẫn thờ nghe chuông...

5. Bên trời trăng xuống quạ kêu sương 
Lửa rọi bờ phong đối mộng trường. 
Thuyền khách Cô Đài đêm vắng vọng 
Chuông chùa buông nhẹ chút sầu vương.

Bản dịch của Hữu Nguyên:
Quạ kêu, trăng lặn, ngút trời sương 
Phong bãi, đèn câu đắm mộng trường 
Đêm vắng Cô Tô thuyền khách đậu 
Chuông Hàn San tự thoảng đưa sang.

Hai bản dịch của Phạm Vũ Thịnh:
Ðêm Neo Bến Phong Kiều
1. Trăng tà quạ rúc trời sương
Cây im lửa đóm nằm suông hững hờ
Nửa đêm neo bến Cô Tô
Hàn Sơn vẳng tiếng chuông chùa buồn tênh

2. Trăng tà quạ rúc trời đầy sương
Cây im lửa đóm người nằm suông
Cô Tô bến lặng đêm già nửa
Chùa cổ Hàn Sơn vẳng tiếng chuông 
Bản dịch của Nguyễn Ngọc Ẩn: 
Quạ kêu, trăng lặn, sương mù
Ðêm nằm không ngủ, cây ru lửa chài
Cô Tô đậu chiếc thuyền ai
Nửa đêm vọng tiếng chuông dài Hàn Sơn

Hai bản dịch của Ái Cầm:
Thuyền đậu bến phong kiều 
1. Quạ kêu trăng khuyết trên cành sương 
Đốm lửa hắt hiu giữa đêm trường 
Cô Tô thuyền đỗ sầu in bóng 
Hàn Sơn Chùa vọng tiếng chuông ngân

2. Trăng khuyết trên cành sương quạ kêu 
Lửa chài sông quạnh bến cô liêu 
Cô Tô thuyền đậu trong đêm vắng 
Chuông Hàn Sơn động sóng đìu hiu

Bản dịch của Hạt Cát:
Quạ kêu sương lạnh trăng tà 
Đèn chài giấc muộn la đà bến sông 
Chùa Hàn trầm bổng hồi chuông 
Nửa đêm gọi khách bềnh bồng Cô Tô.

Bản dịch của Thích Quảng Sự:
Nhạn kêu trăng lặn đêm sương 
Bến sông ánh lửa sầu vương thẫn thờ 
Hàn Sơn vẹn ngoại Cô Tô 
Tiếng chuông lay tỉnh giấc hồ nửa khuya.

Bản dịch của Thích Chiếu Sáng:
Quạ kêu sương tỏa, trăng xế nghiêng, 
Lửa chài cây bến, giấc cô miên. 
Ngoài Cô Tô, chùa Hàn Sơn vắng, 
Đêm muộn chuông ngân vọng đến thuyền.

Bản dịch của Phụng Hà:
Quạ kêu, trăng lặn đẫm sương đêm, 
Lửa chài cây bến, khách buồn tênh. 
Ngoài lũy Cô Tô chùa Hàn vắng, 
Đêm muộn thuyền nghe tiếng chuông rền.

Bản dịch của Ngô Văn Phú:
Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều
Quạ kêu, trăng xế ngang đầu 
Lửa chài cây bến gối sầu ngủ mơ 
Thuyền ai ngoài bến Cô Tô 
Nửa đêm lạnh tiếng chuông chùa Hàn San

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu:
Sương mờ, quạ giục ánh trăng phai 
Cây bến sầu mơ ngọn lửa chài 
Ngoài ngõ Cô Tô chùa núi Lạnh 
Nửa đêm chuông vọng tới thuyền ai

Bản dịch của Bùi Khánh Đản:
Trăng lặn sương mờ nghe tiếng quạ 
Lửa chài cây ánh giấc chưa yên 
Cô Tô bên mái Hàn Sơn tự 
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền

Bản dịch của Đông A:
Nào có chuông đâu tỉnh giấc sầu
Trời sương tiếng quạ lạnh đêm thâu
Mơ mơ trăng lạc Phong Kiều bến
Chỉ thấy mây đen phủ kín đầu

Bản dịch của Nguyễn Hà:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều 
Tiếng quạ kêu sương, nguyệt cuối trời 
Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài 
Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại 
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai... 

Bản dịch của Khương Hữu Dụng: 
Tiếng quạ hờn trăng sương phới buông
Lửa chài phong bến giấc nằm suông
Chùa Hàn ngoài dãy Cô Tô ấy
Thuyền khách khuya vừa đến tiếng chuông

Bốn bản dịch của Vương Văn Ký: [4]
Thuyền đêm đậu bến Phong Kiều 
1. Quạ kêu trăng lặn đầy sương,
Phong in bến lửa chài vương mộng sầu.
Chuông Hàn San Tự Cô Tô,
Nửa đêm vọng lại thẫn thờ thuyền ai.

2. Quạ kêu trăng lặn sương rơi,
Phong in bến, lửa chài khơi mộng sầu.
Chuông Hàn San Tự Cô Tô,
Nửa đêm đánh thức khách đò trong sương

3. Quạ kêu trăng lặn sương đầy,
Phong in bến mộng, lửa chài sầu vương.
Cô Tô San Tự buông chuông,
Nửa đêm thức tỉnh khách buồn bên sông.

4. Quạ kêu trăng lặn trời đầy sương,
Phong bến lửa chài sầu mộng vương.
San Tự Cô Tô chuông vẳng lại,
Khách đò tỉnh giấc giữa đêm trường.

Hai bản dịch của Vương Uyên:
1. Trăng khuất quạ kêu trời phủ sương 
Lửa chài bến nước cõi sầu vương 
Cô Tô đêm vắng thuyền ai đậu 
Tĩnh lặng Hàn San vọng tiếng chuông 

2. Trăng tàn sương phủ quạ kêu 
Lửa chài, bến nước, dệt thêu mộng sầu 
Cô Tô tĩnh mịch đêm thâu 
Hàn San chuông điểm thuyền câu lặng tờ 

Bản dịch của Nguyễn Thế Nữu:
Quạ kêu, trăng lặn, trời đầy sương 
Phong bến, lửa chài, sầu mộng vương 
Chùa ngoại thành Tô, trên núi Lạnh 
Nửa đêm thuyền khách nằm nghe chuông 

Bản dịch của Đinh Vũ Ngọc:
Ban đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều 
Quạ kêu, Sương phủ, Trăng thâu 
Lửa chài, Cây bến lặng sầu trong mơ 
Cô Tô, Chùa vắng khuya mờ 
Tiếng chuông tìm viếng khách thơ trong thuyền

Bản dịch của Nguyễn Khuê:
Trăng lặn quạ kêu trời phủ sương 
Lửa chài cây bến giấc sầu vương 
Chùa Hàn ngoài ải Cô Tô vắng 
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông

Bản dịch của KD:
Trời sương, trăng lặn, quạ kêu luôn 
Ngủ đối cầu Phong lửa cá buồn 
Thuyền đậu thành Tô chùa núi Lạnh 
Nửa đêm chuông nện tiếng boong boong

Bản dịch của Nguyễn Hùng Lân:
Trăng tà quạ gọi sương lên 
Bờ cây chài lửa đôi bên giấc sầu 
Chùa Hàn San giữa đêm thâu 
Tiếng chuông thành ngoại đưa vào thuyền nhân

Bản dịch của Nguyễn Đình Sài:
Cầu Phong, đêm neo thuyền 
(Bát Ngôn Tứ Tuyệt)
Trăng lặn quạ kêu sương xuống đầy trời 
Cây bến đèn chài sầu mộng khôn nguôi
Ngoại thành Cô Tô từ Hàn San tự
Nửa đêm chuông vọng tới tận thuyền người

(Song Thất Lục bát) 
Trăng vừa lặn quạ kêu sương phủ 
Bến phong đèn ngư ủ giấc buồn 
Cô Tô cổ tự Hàn San 
Nửa đêm vọng tiếng chuông lan tới thuyền

Bản dịch của TH.Nguyen: 
Trăng lặn, sương mờ, tiếng quạ kêu 
Bên sông ánh lửa hắt đìu hiu 
Cô Tô ẩn bóng Hàn San tự 
Nửa đêm chuông vọng bến Phong Kiều.

Bản dịch của Lê Phương Nguyên:
Trăng tà, quạ gọi, sương sa 
Đèn câu nghiêng giấc sầu qua cây bờ 
Chùa Hàn San, núi Cô Tô 
Nửa đêm thuyền khách mơ hồ tiếng chuông.

(Haitaynamkg) Trương Kế quê ở Tương Châu, thuộc tỉnh Hồ Bắc, sống vào giữa thế kỉ thứ 8, đỗ tiến sĩ, từng làm quan. Thơ ông thường tả phong\' cảnh là chủ yếu. Bài ‘Phong Kiều dạ bạc’ là một kiệt tác luôn luôn hiện diện trên các tuyển tập Đường thi...

Phong Kiều dạ bạc
(Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều)
Trương Kế

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ.
Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.


...Bài thơ tả cảnh Phong Kiều một đêm sương khuya và tâm trạng thao thức của ly khách đang nằm trong thuyền. Trương Kế viết bài thơ theo thể thất 136 ngôn tứ tuyệt Đường luật: luật trác, vần bằng, có 3 vần thơ (thiên - miên - thuyền); gồm 11 chữ (thanh trắc) và 17 chữ (thanh bằng) gợi lên âm điệu mênh mang, lan tỏa... Bản dịch thành thơ lục bát, có 9 chữ (thanh trắc) và 19 chữ (thanh bằng), nhạc điệu trầm buồn, man mác; là một trong những bản dịch thơ Đường hay nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Nhiều tài liệu cho biết bản dịch thơ lục bát này là của Tản Đà thi sĩ (?).

1. Hai câu thơ đầu tả cảnh một đêm khuya trên bến Phong Kiều. Năm chi tiết nghệ thuật, tả ít mà gợi nhiều: trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời, cây phong bên sông, ánh lửa chài. Cảnh vật được liệt kê, nối tiếp xuất hiện, đồng hiện. Một li khách đang mơ ngủ trong con thuyền trên bến sông. Cảnh vừa có màu sắc vừa có âm thanh. Màu vàng của vầng trăng xế, vầng trăng tà. Màu trắng bao la của sương đêm phủ đầy trời. Màu lửa chài le lói trong các khoang thuyền. Lùm cây phong đen sẫm ẩn hiện bên bờ sông. Và có tiếng quạ; quạ giật mình thấy sương trắng phủ đầy trời, ngỡ là trời đã sáng, cất tiếng kêu... Một cảnh buồn trên bến Phong Kiều. Và đó cũng là tâm trạng buồn của li khách đang nằm mơ ngủ trong thuyền. Ba chữ ‘đối sầu miên’ cho thấy không gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật đồng hiện. Cảnh buồn, tình buồn; nhịp thơ buồn là vậy. Hãy khẽ đọc lên, ngâm lên:

‘Nguyệt lạc/ ổ để/ sương mãn thiên,
Giang phong/ ngư hỏa/ đối sầu miên’
(Trăng tà/ chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài/ cây bến/ sầu vương giấc hồ)

Thơ chỉ gợi, tạo nên nhiều liên tưởng. Thủ pháp lấy động để tả tĩnh, lấy sáng để tả tối; tiếng quạ kêu sương nghe rõ trong đêm thanh vắng, ánh lửa chài le lói, màn sương trắng bao la đầy trời đã cho thấy bến Phong Kiều mịt mờ, mịt mùng khi trăng xế. Qua đó, ta thấy bút pháp nghệ thuật của Trương Kế rất tinh tế, biểu cảm.

2. Thời gian trôi đi lặng lẽ. Đêm đã về khuya. Khách nằm trong thuyền vẫn mơ màng... Bốn bề Phong Kiều im lìm, vắng vẻ. Bỗng một tiếng chuông, một âm thanh trong vắt từ chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô vọng tới, lay động hồn li khách...:

‘Cô Tô thành ngoại/ Hàn Sơn tự,
Dạ bán/ chung thanh/ đáo khách thuyền’
(Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn)

Chùa Hàn Sơn toạ lạc trên lưng chừng núi. ‘Sư cụ nằm chung với khối mây’ như nhà sư chùa Đọi mà Nguyễn Khuyến đã nhắc tới ? Sư cụ thỉnh chuông hay chú tiểu đánh chuông sang canh ? Chùa Hàn Sơn cách bến Phong Kiều bao xa? Tiếng chuông ngân vang từ chùa xa vọng tới, li khách nghe rất rõ. Khách chợt tỉnh hồn mai. Nghệ thuật lấy động để tả tĩnh của thi pháp cổ, một lần nữa được Trương Kế sử dụng rất đặc sắc.

Tiếng chuông chùa Hàn Sơn đã làm rõ thêm cảnh vắng lặng, êm đềm bến Phong Kiều một đêm sương; một đêm thu ? Tiếng chuông chùa vẳng lên giữa đêm khuya... còn mang một ý nghĩa thẩm mĩ rất tinh tế. Thi sĩ đã lấy tiếng chuông chùa (ngoại cảnh) để thể hiện tâm cảnh, đó là nỗi buồn nhớ cố hương của người lữ khách. Hai chữ ‘dạ bán’ (nửa đêm) là thời gian nghệ thuật, là thời điểm tiếng chuông chùa Hàn Sơn từ ngoại thành văng vẳng vọng đến con thuyền làm lay động hồn du khách đang mơ màng, đang thao thức.

Hơn một nghìn năm đã trôi qua, ai đã từng đọc thơ Đường, ai đã yêu thơ Đường, nhất là những khách li hương đó đây, vẫn cảm thấy tiếng chuông chùa Hàn Sơn được Trương Kế nói đến vẫn còn làm rung động hồn mình, làm nao nao, làm thổn thức lòng mình ?

Bài thơ ‘Phong Kiều dạ bạc’ là một bức tranh tĩnh xinh xắn. Thi phẩm này từng phủ mờ bao lớp sương giai thoại, huyền thoại. Có tiếng quạ kêu buồn. Có tiếng chuông chùa trong canh khuya buồn thấm thía. Trăng đã xế, lửa chài le lói con thuyền, những lùm cây phong mờ tỏ ẩn hiện, màn sương trắng phủ đầy trời. Li khách buồn nhớ cố hương đang thao thức trong con thuyền ! Mơ màng và vắng lặng bao trùm cảnh vật và hồn người. Thi liệu chắt lọc, hình tượng gợi cảm, mở ra bao liên tưởng đầy chất thơ. ‘Phong Kiều dạ bạc’ đẹp như một bức tranh thủy mặc của một danh họa; lối vẽ chấm phá, lấy động để tả tĩnh, lấy sáng để tả tối, lấy ngoại cảnh thể hiện tâm cảnh... Cái hồn của cảnh vật, nỗi lòng li khách thấp thoáng hiện lên qua những vần thơ thanh đạm đáng yêu.

Hỡi bạn gần xa có còn nghe tiếng quạ kêu sương, tiếng chuông chùa Hàn Sơn từ nghìn xưa vọng về ?...

(Haitaynamkg) Lại nói về bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế


Phong Kiều Dạ Bạc, bài thơ Thiền tiêu biểu, được truyền tụng là « Ý Thiền, Lời Thiền, Cảnh Thiền, đưa đến bờ Giác Ngộ », gồm 4 câu 7 chữ như sau :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Trương Kế

Bản dịch sang chữ quốc ngữ nổi tiếng nhất là của Tản Đà :

Trăng tà tiếng quạ kêu sương

Lửa chài cây bãi sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Bài dịch này được coi như rất thi vị, mùi mẫn lâm ly, tả cảnh anh chàng Trương Kế xa nhà, thi trượt về quê, đi thuyền trong đêm tối, với sương phủ, quạ kêu, hàng phong xào xạc, đèn chài mờ ảo, nghe tiếng chuông chùa từ xa vọng lại thanh thoát, huyền bí siêu nhiên, khiến những con tim lãng mạn đọc qua không khỏi bồi hồi thổn thức, ngẩn ngơ mơ mộng, thậm chí có khi còn sụt sùi nhỏ lệ, như “em gái hậu phương” đọc thư “người anh tiền tuyến” !

Tuy nhiên, nếu cụ Tản Đà đã diễn tả thành công cái khía cạnh rất mực lãng mạn của một tình cảnh mà chúng ta dễ hình dung và thông cảm qua lời thơ điêu luyện của cụ, người đọc vẫn không khỏi thắc mắc : đâu là ý nghĩa Phật Giáo của bài thơ, đâu là luồng Thiền Khí mãnh liệt tiềm tàng trong bài thơ ấy, để nó luôn vẫn được truyền tụng như một bài thơ Thiền danh tiếng ?

Thật vậy, nếu bài Phong Kiều Dạ Bạc chỉ là một bài thơ tả cảnh tả tình thuần túy, với đêm đen sương phủ, vài tiếng quạ kêu, đôi cây cầu, dăm cây phong, với chú học trò thi trượt về quê sửa soạn nghe vợ (hay mẹ) xài xể, rồi đang lúc chán đời ngủ gục, lại nhè gặp anh thày chùa ba trợn nửa đêm hứng tình khua chuông inh ỏi, thì có thể tạm gọi là hay, chứ không có gì xuất sắc, không những không hơn mà sợ còn kém những Thu Điếu, Qua Đèo Ngang, Thăng Long Thành Hoài Cổ v.v… của Đại Nam ta rất xa !

Vì thế nên xin đề nghị phân tích sâu vào những vần thơ kia, để thử cảm nhận cái hương vị Thiền, cái căn nguyên Đạo Lý trong đó.

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên … Dịch từng chữ là : quạ kêu, trăng lặn, sương đầy trời. Ta có thể tưởng tượng một đêm đen, với vầng trăng đã lặn, lại thêm sương phủ đầy trời … Tức là một cảnh tăm tối mờ mịt, khó mà nhìn thấy được cảnh vật chung quanh.

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. “Sầu miên” là “buồn ngủ”. Trong cảnh trời tối đen như thế, lại thêm sương phủ mịt mờ, giương mắt nhìn còn khó thấy được gì, thế mà khách lại ngủ gục, thì cái sự “thấy” kia quả là hạn chế bội phần vậy. Ý gì ? Nếu không phải là vẽ lên cái cảnh huống Vô Minh của con người bập bềnh nổi trôi trên giòng đời mờ ảo ?

“Ngư hỏa” chỉ ánh đèn của người ngư phủ thấp thoáng nơi xa. Phải chăng đó là những ánh Đạo Quang chập chờn ẩn hiện trong cái tâm thức vô minh mê muội của mỗi người chúng ta ? Đôi khi đọc sách, tụng kinh, nghe giảng hay thiền quán, nhiều người trong chúng ta cũng có thấy hé lộ ra được chút chân lý, chút Đạo Quang, như thấy ánh lửa chài thấp thoáng kia. Nhưng, liền sau đó, tâm hồn lại chìm trở vào giấc ngủ vô minh, như khách đi thuyền gật gù mê ngủ, bập bềnh trôi theo giòng nước.

“Giang phong” thường được hiểu là “hàng phong bên sông”. Tuy nhiên, khách du lịch ngày nay có khi được nghe người hướng dẫn giảng rằng ở chỗ ấy ngày xưa có hai cay cầu : Phong Kiều và Giang Kiều, khiến cách hiểu “hàng phong bên sông” có phần bị nghi ngờ .

Thế còn tiếng quạ kêu ảm đạm giữa đêm đen ? Để quân bình với ý nghĩa “Đạo Quang” của “đèn chài”, tiếng quạ kêu có thể tương ứng với tiếng gọi của ác nghiệp. Trong truyền thống dân gian, quạ thường được gắn liền với tội lỗi. Tiếng quạ kêu ít khi nào báo hiệu chuyện tốt lành …

Đến đây, chỉ với hai câu mười bốn chữ, bối cảnh của bài thơ đã được vẽ lên, không những một cách thi vị lãng mạn, mà cũng vô cùng đầy đủ, chính xác, với những tương ứng khéo léo giữa Tâm và Cảnh. Quả thực Tâm là Cảnh, Cảnh là Tâm. Ngoài Tâm không có Cảnh, mọi Cảnh đều ở trong Tâm, thuyết “Duy Tâm tuyệt đối” thường được gán cho Phật Giáo chính là như vậy.

Trong bối cảnh tối tăm, Vô Minh ấy, chuyện gì xảy ra ?

Chuyện đó chính là :

Dạ bán chung thanh : Nửa đêm chợt có tiếng chuông vang lên .

Để rồi :

Đáo khách thuyền : Khách nghe tiếng chuông, giựt mình tỉnh ngủ, thấy thuyền mình đã đến bến tự bao giờ rồi !

Thì ra không phải tiếng chuông chạy hì hục từ Chùa Hàn San mò đến bến Phong Kiều để chui vào tai của khách, mà tiếng chuông chùa vang lên (chung thanh), làm khách giựt mình tỉnh giấc. Thấy : đã đến bến ! (đáo khách thuyền !)

Nếu khách chi lè phè ngồi nghe tiêng chuông mò đến thuyền mình như nhiều người thường hiểu nhóm chữ “chung thanh đáo khách thuyền”, thì bài thơ không những không nêu rõ đuoc cái ý nghĩa Phật Giáo của nó, mà nói cho cùng cũng chẳng có gì đặc sắc. Đàng này, vì tiếng chuông mà khách giựt mình tỉnh ngủ, thấy đã đến bến, đó là GIÁC NGỘ, là xé bỏ tấm màn Vô Minh, là mở Huệ Nhãn soi thấu thực tướng của sự vật, phá tan tấm màn u mê tam tối quanh mình, cùng với sự thiếu ý thức nơi mình.

Khách đã đến bến từ lâu, nhưng không biết, không thấy, vì bị tấm màn Vô Minh che lấp, vì đêm đen sương phủ còn thêm buồn ngủ, thiếu ý thức…Một tiếng chuông vang lên, như một lời nói, một cảnh ngộ, một câu kinh, một “công án” v.v… nếu thuận duyên thì có khả năng làm cho người tỉnh giấc, thoát khỏi Vô Minh, phóng một cái nhìn mới, một cái nhìn sáng suốt đầy ý thức quanh mình, để nhận thấy : ta đã đến bến tự lúc nào rồi !

Thật vậy, ta không thành Phật, mà Phật vốn vẫn là ta, ta là tất cả, tất cả ở nơi ta ! “Vạn vật giai bị ư ngã”, nhà Nho cũng nói thế ! Nếu chiêm nghiệm việc Đức Ky Tô bảo con người vốn vẫn làm một với Ngài, trong khi Ngài làm một với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa lại là tất cả, thì có thể thấy Ky Tô Giáo chung quy cũng không đứng ngoài nền móng “nhất quán” này vậy.

Theo ý nghĩa “trong giây lát giựt mình tỉnh giấc”, bài thơ này được xếp trong khuynh hướng Thiền “Đốn Ngộ”, tức cho rằng sự giác ngộ đến một cách đột ngột trong một số điều kiện nào đó. Đối lại với “đốn ngộ” là quan niệm “tiệm giác”, cho là phải kiên nhẫn chùi rửa cái Tâm của mình hàng ngày, hàng phút, hàng giây, năm này qua tháng nọ, để cho nó dần dần được trở nên trong sáng.

Thật ra, hai quan điểm nay không đối nghịch, mà hài hòa với nhau. Sự giác ngộ tuy đến đột ngột, nhưng, như đã nói, sự đột biến ấy lệ thuộc vào một số điều kiện, mà một phần quan trọng của những điều kiện này lại được đem đến bởi sự tu hành luyện tập. Vì thế người xưa mới nói rằng “lý tuy đốn ngộ, sự vẫn tiệm tu” …

Phân tích bài thơ như thế có chủ quan lắm không ? Nhiều đấng huynh trưởng rất tinh thông Hán tự đã tỏ ý nghi ngờ. Một thắc mắc thường được nêu lên nhất là nếu nhà thơ Trương Kế đã đạt đến giác ngộ vào lúc làm bài thơ này thì tại sao sau đó không xuống tóc đi tu mà vẫn còn lặn hụp trong biển ô trọc thế gian, vẫn bon chen trên con đường hoạn lộ, sau này làm đến Tự Bộ Viên Ngoại Lang ?

Có thể ông chỉ mô tả sự giác ngộ chứ chưa chứng thực được nó ? Hoặc giả ông đã thoáng thấy một tia sáng chân lý lóe lên rồi chợt tắt, đã bước được vào một cảnh giới tâm linh để rồi, như nhiều người trong chúng ta, lại bị cuộc sống kéo lôi vào hư vọng ?

Cũng có thể cho rằng sự giác ngộ hoàn toàn không bắt buộc phải từ bỏ con đường đang đi, công việc đang làm, mà ngược lại khiến người ta có hiệu năng cao hơn trên con đường ấy, có những cảm nghiệm chính xác hơn về công việc kia. Nói cách khác, trong mọi công việc, mọi cảnh huống, người đã đạt đến một trình độ tâm linh nào đó sẽ dễ có được những hành động thích hợp, lời nói thích hợp, cố gắng thích hợp, suy nghĩ thích hợp v.v… hơn những người khác. Chúng ta có thí dụ của những nhân vật lỗi lạc đời Trần, vẫn làm chính trị, vẫn cầm gươm diệt giặc, mà cũng vẫn tu tập hành đạo. Hành đạo không chỉ là tụng kinh gõ mõ hay xếp bằng thiền quán, mà chính là sống thực, sống trọn vẹn mỗi động tác, mỗi lời nói, trong mọi công việc. Đó cũng là thuận theo những duyên nghiệp mà cuộc sống đã phó thác cho chúng ta. Đạo là tất cả. Hành đạo có thể là làm bất cứ gì. Vấn đề nằm ở chỗ ý thức trọn vẹn cái bản chất của sự việc mình làm, thay vì bị kéo lôi trong mù quáng, ảo vọng.

Trương Kế ứng với trường hợp nào ? Chúng ta chỉ có thể thắc mắc chứ có lẽ không bao giờ có câu trả lời.

Trong cố gắng tìm hiểu bài thơ này, tôi đã được chỉ cho xem sách “Đường Thi Tam Bá Thủ” của nhà xuất bản Minh Lượng, Hương Cảng. Tác giả sách này cho rằng tài thơ của Trương Kế rất cao, nhưng hậu thế quá tầm thường nên đã phụ cái tài ấy. Một tài liệu khác là sách “Thiên Gia Thi”, của Học Lâm Thư Điếm, Cửu Long, Hương Cảng, xuất bản. Sách này viết rõ như sau :

“Hốt văn Hàn San chung thanh dạ bán nhi minh, bất giác khởi thị khách thuyền dĩ chí Cô Tô thành ngoại chi Phong Kiều hỹ”.

Nghĩa là :

“Thình lình nghe tiếng chuông chùa Hàn San giữa đêm gióng lên, nên bất giác nhìn ra thấy thuyền khách đã đến bến Phong Kiều ở ngoài thành Cô Tô”.

Thật ra, theo tôi, khi đọc thơ, vấn đề “hiểu đúng” hay “hiểu sai” không quan trọng. Điều quan trọng là bài thơ gợi lên được những cảm tưởng gì trong tâm hồn ta ? Nếu người làm thơ thật sự muốn nói lên những điều chính sác, muốn ta phải hiểu “cho đúng”, thì ông ta đã sử dụng thể văn xuôi, đã khai triển vấn đề một cách rõ ràng minh bạch, giải thích đâu vào đó, “rằng thì mà là” hẳn hoi. Chức năng của thơ không phải vậy.

Thơ, đặc biệt là loại thơ súc tích như thơ Tứ Tuyệt, nhằm gợi lên những cảm xúc chủ quan nơi người đọc. Nói cách khác, những bài thơ loại này khơi động những “thảo trình” đã được cài sẵn trong tâm hồn ta, có khi đã bị ta quên mất từ lâu, bao gồm những âm thanh, hình ảnh, và tư tưởng triền miên…

Vì thế, mỗi khi bình luận một bài thơ, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những gì bài thơ ấy gợi lên nơi tôi, một cách thành thật. Nay, nếu lại vì sợ oai học giả này hay “học thiệt” khác mà tôi phải nói khác đi với những gì tôi tâm tưởng thực sự qua bài thơ kia, thì hóa ra là tôi nói dối bạn đọc của tôi hay sao ?

Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng sự phân tích văn chương bằng cách thâu lượm những ý kiến đó đây, những dữ kiện khách quan cũng như chủ quan từ nơi này chốn nọ, là một công việc có tính cách trí thức, khoa học, rất cần phải có. Tuy nhiên, ta cũng có thể đi vào một tác phẩm văn chương một cách khác, trực tiếp hơn, bằng sự hòa mình vào tác phẩm, vào tác giả, vào tổng thể “tác giả – tác phẩm”, làm một với tổng thể ấy, để rồi buông thả lặng lẽ quan sát xem những ý niệm gì, những cảm giác gì sẽ TỰ NHIÊN nảy sanh ra trong tâm hồn ta. Những ý niệm ấy không những được sanh ra trong cái thế giới nội tâm của ta, mà, như những đứa trẻ, chúng còn có thể trưởng thành, lớn khôn, thậm chí hướng đến Chân Thiện Mỹ, đến Đạo, hay ngược lại, suy thoái, hoại diệt, đi vào quên lãng …

Trương Kế nói “nửa đêm chuông đổ”, cần gì phải thắc mắc vì duyên cớ gì mà có ông sư đến nửa đêm còn khua chuông ầm ĩ ? Bày ra làm chi những chuyện sư cụ rặn thơ không ra, phải nhờ chú tiểu giúp sức, đến khi làm được bốn câu tàm tạm, bèn hè nhau đập chuông inh ỏi tạ ơn Phật ! Ích gì những chuyện vớ vẩn ấy ? Phật cũng phải rầu !

Chi bằng cứ tự để mình là khách ngồi thuyền ngủ gục trong đêm đen, để khi nghe tiếng chuông chùa vang lên (có thực hay trong mơ, không quan trọng), cũng giựt mình tỉnh giấc như khách, cũng nhìn ra xem thuyền đang ở đâu, và nhất là cùng với khách cũng thấy dâng lên trong tâm hồn mình một cái gì đó mãnh liệt đến độ cần phải ghi lại thành một bài thơ …

Người xưa nói “văn dĩ tải Đạo” có lẽ không phải là “Văn chở Đạo”, như chở một thực thể bên ngoài đem đến gõ cửa giao tận nhà cho người đọc. Văn, và đặc biệt là thơ, “tải” một sự gợi ý, một cảnh ngộ, một “nhân duyên”, để người đọc “làm chạy” những thảo trình cài sẵn trong miền sâu thẳm của tâm thức mình đã tự muôn đời, để rồi quay trở về với chính mình, với cái TÂM THẬT của mình, cái TÂM chung của Vạn Hữu …

Theo Nguyễn Hoài Vân

(Haitaynamkg) Giải mã bài thơ “PHONG KIỀU DẠ BẠC” của Trương Kế
image
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên.
Cô tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.

Tạm dịch :
Trăng lặn, quạ kêu, sương kín trời,
Lửa chài, cây bến trước buồn ngơi.
Hàn San chùa cổ ngoài Cô phủ,
Khuya khoắt chuông vang vọng tới người.

Đây là một tuyệt tác của nhà thơ Trương Kế và cũng là một kiệt tác của thơ Đường.Từ khi ra đời cho tới nay, nó đã được các nhà thơ cũng như những nhà nghiên cứu quan tâm bình giảng. Tựu trung ai cũng đều công nhận đây là một kiệt tác. Tuy nhiên rất ít người bình giảng bài thơ này một cách toàn diện, mà chủ yếu là tập trung vào việc chú thích các từ ngữ, trong đó thường tập trung ở câu 2 và 4. Từ đó người ta thường nghĩ : Vì buồn nên nhà thơ không ngủ được, vì không ngủ được nên nhà thơ mới có được bài thơ tuyệt tác này để lại cho đời. Nghĩ như thế có lẽ do cụm từ “ĐỐI SẦU MIÊN” trong câu 2. Chính vì vậy câu này đã có nhiều ý kiến khác nhau. Còn vấn đề nghĩa của hai từ “DẠ BÁN” ở câu bốn đến nay vẫn chưa giải quyết được.

- Vậy nghĩa của từ “sầu miên” như thế nào? Có phải TK do buồn vì thấy cảnh trăng lăn, quạ kêu mà không ngủ được hay vì một lý do nào khác?

- Có đúng là chuông chùa Hàn San được đánh vào lúc nửa đêm không? Hay là đây là một ngữ bịnh(tỳ vết) của bài thơ?

- Thông điệp mà TK muốn gởi đến người đọc là gì?
Trước hết xin ghi lại đây cách dịch và hiểu của một số dịch giả về bài bài thơ này :

Đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều

Câu 1
Trăng lặn, quạ kêu,sương đầy trời,

Câu 2:
1- Nguyễn Quảng Tuân: “Khách nằm trong thuyền ngó ra ngoài thấy hàng cây phong ở trên bờ sông và những ánh đèn thuyền chài trước bến trong lòng sinh ra buồn bã nên cứ mơ màng không ngủ được”.(1)

2- Nguyễn Khuê: “Hàng cây phong bên bờ sông và ánh đèn thuyền chài đối cùng khách đang thao thức sầu”.(2)

3- Nguyễn Thị Bích Hải : “Cây phong bên bờ sông, ngọn lửa đèn chài,(khách) ngủ với nỗi buồn”.(3)

4- Nguyễn Cảnh Phức: “Rặng cây phong bên bờ sông và ngọn lửa trên thuyền chài đang đối diện với nhau mà ngủ một cách buồn rầu”.(4)

Câu 3
Ở ngoài thành Cô Tô có chùa Hàn San

Câu 4
Trần Trọng Kim, Tản Đà dịch :
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.(5)

Ngô Tất Tố dịch :
Tiếng chuông đưa đến bên đò canh khuya.

Bùi Khánh Đản dịch :
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền.

Trần Trọng San dịch :
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.

Nguyễn Khuê dịch :
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông.

Còn rất nhiều người dịch bài thơ này, ở đây xin nêu một vài người tiêu biểu.

Như vậy câu 2 đã có nhiều ý kiến khác nhau. Câu 4 tuy có nhiều cách dịch như thế, chủ yếu là dựa vào cảnh trong bài thơ chứ đến nay chưa ai lý giải tại sao “DẠ BÁN” lại được dịch như vậy. Do đó hai từ “DẠ BÁN” vẫn chưa giải quyết được.

Ngoài những ý kiến trên, còn có một số ý kiến khác về các từ Giang phong, ngư hoả, sầu miên như sau: Nguyễn Dậu trong bài “Đôi điều thâu lượm quanh Hán tự” viết:(6)

“Nếu ai có dịp đi qua Cô Tô, hãy đến cầu Phong ở phía tây thành có bến Cô Tô. Hai bờ sông có hai ngọn núi đối ảnh sơn, một núi mang tên Giang Phong một núi mang tên Ngư Hoả. Vậy Giang Phong và Ngư Hoả trong thơ không dính gì đến cây phong và lửa nhà chài cả”.

Còn trong quyển “ Hội đồ Thiên Gia thi” (7) Chung Bá Kính có ý kiến khác như sau:
Nguyên văn:
“Giang Phong thị danh, Sầu Miên sơn danh, Ngư Hỏa thuyền thượng hoả, Cô Tô thành tức Tô Châu thành, Hàn San tự hữu Phật danh Hàn San, Nguyệt Lạc, Ô Đề dạ thâm chi thời dã. Tư thời sương lạc mãn thiên, Giang Phong thị chi ngư hoả điểm điểm dữ Sầu Miên sơn tương đối nhi thành ngoại tự chung dạ bán thanh văn vu khách thuyền chi thượng giang, trung dạ cảnh cái như thử ”(*)

Tạm dịch:
“ Giang Phong tên chợ, Sầu miên tên núi, Ngư hoả là ánh lửa trên thuyền chài, Cô Tô thành tức thành Tô Châu, Hàn Sơn tự có Phật tên Hàn San, Nguyệt lạc, Ô đề nghĩa là đêm đã khuya. Vào lúc ấy sương xuống đầy trời, những ánh đèn chài bên chợ Giang phong lấp lánh cùng đối diện với núi Sầu miên mà (trong lúc ấy) tiếng chuông chùa ở ngoài thành Cô Tô nửa đêm vọng tới khách thuyền trên sông, cảnh trong đêm là như vậy”.

Sau bài viết của ông Nguyễn Dậu, ông Mai Quốc Liên đã viết rằng :
“Chẳng lẽ tất cả các học giả người Trung Hoa đều dốt địa lý và quan liêu ngồi nhà chú sai, hiểu sai thơ đến như thế”(8).

Ông Lý Việt Dũng đã viết trong báo Văn Nghệ như sau:
“GIANG PHONG” và “NGƯ HOẢ” phải hiểu là “cây phong bên sông và ánh lửa của người thuyền chài” vì “tuyệt nhiên chưa từng thấy sách nào chú đó là tên hai ngọn núi cả”.(9)

Còn đối với cách chú giải của Chung Bá Kính thì tôi thấy có nhiều điều không hợp lý có thể nêu ra sau đây:

- Tại sao chợ Giang Phong chỉ có đèn chài không thôi, không lẽ chợ chẳng có đèn đóm gì hay sao?

- Có lẽ nào các thuyền chài lại đánh cá nơi chợ? Còn nếu các thuyền chài buôn bán cá ở chợ thì nhất định ánh đèn của chợ sẽ sáng gấp bội phần ánh đèn chài, do đó nhà thơ không thể thấy đèn chài, hơn nữa, nếu chúng ta dựng lại hình ảnh như TK mô tả trong thơ thì thấy thật vô lý, bởi vì sương đầy trời mà với chỉ vài ngọn đèn chài lấp lánh thì làm sao mà thấy ngọn núi để mà tương đối cho được.

Như thế ta thấy những chú thích của ông Nguyễn Dậu và Chung Bá Kính tuy mới nhưng thiếu tính thuyết phục. Vì vậy tôi nghĩ rằng cách giải thích hai từ “GIANG PHONG” và “NGƯ HOẢ” như ông các Lý Việt Dũng và Mai Quốc Liên và sách Đường thi tam bách thủ là phù hợp hơn.

Còn đối với từ “SẦU MIÊN” thì chúng ta thấy rằng hầu hết những người dịch bài thơ này, Trung Hoa cũng như Việt Nam, đều thống nhất “SẦU MIÊN” là tâm trạng thao thức sầu muộn của tác giả, ngoại trừ Nguyễn Cảnh Phức.


I.  VỀ NGHĨA CỦA TỪ “SẦU MIÊN”
Để tìm hiểu từ “SẦU MIÊN” có nghĩa như thế nào trước hết hãy phân tích cách dùng từ của tác giả trong bài này như thế nào.

Theo tôi ta có thể viết lại cấu trúc bài thơ ấy như sau:
1- Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên, giang phong, ngư hoả /  đối sầu miên
        C       V  C  V     C       V .                                  CHỦ NGỮ                                                VỊ NGỮ

2- Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, dạ bán , chung thanh đáo khách thuyền
                                                       C   V         C       V . . .
                                                             CHỦ NGỮ                    VỊ NGỮ

Nhìn vào câu 1 ta thấy Trương Kế đã sử dụng các cụm từ “ nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên” kỳ thực là những câu hoàn chỉnh (xem ở cuối bài) nhưng tác giả đã tỉnh lược lại thành những ngữ danh từ tương đương với danh từ ghép “giang phong, ngư hoả” với chức năng chủ ngữ, ở vị ngữ ta có động từ “ĐỐI” do đó ta có thể chắc chắn rằng “SẦU MIÊN” là danh từ ghép để cân xứng với các ngữ danh từ và danh từ ghép ở chủ ngữ. Như vậy giờ đây ta hãy xem danh từ ghép “SẦU MIÊN” nghĩa như thế nào?.

Như ta biết Trương Kế sau gần cả đêm thức trắng, về mặt sinh lý thì dĩ nhiên cơ thể muốn ngủ, nhưng do suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề gì đó nên không thể ngủ được, để nói lên tâm trạng này Trương Kế diễn tả qua các hình ảnh, âm thanh mà ông cảm nhận lúc đó. Ta thấy trong tám đối tượng (5 ở hai câu trên (Trăng lặn, quạ kêu, sương kín trời, lửa chài, cây bến) và 3 ở hai câu cuối (thành Cô Tô, chùa Hàn San, tiếng chuông) mà Trương Kế nêu ra thì hết bốn thuộc về sự cảm nhận của mắt (thị giác), hai thuộc về cảm nhận của tai (thính giác) và hai thuộc về cảm nhận của tư duy (tri giác). Dựa vào cấu trúc trên ta có thể hình dung ra được một người nằm trong thuyền, cơ thể thì thúc giục cơn buồn ngủ mà tinh thần thì vẫn còn tỉnh táo, vẫn cảm nhận được mọi thứ trước mặt, chung quanh bên ngoài (ĐỐI). như vậy ta có thể nói rằng không chỉ có giang phong, ngư hoả đối sầu miên mà cả nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên và cả tiếng chuông cũng đối sầu miên, bởi vì tất cả những thứ đó đều xảy ra trong cùng một thời điểm, cùng tác động lên tâm hồn tác giả. Như cấu trúc 1 và 2 cho thấy sầu miên là trạng thái của khách thuyền. Chính vì vậy nghĩa của từ “SẦU MIÊN” không những chỉ được khẳng định bởi Câu 1 và câu 2 mà cả câu 3 và 4 nữa.

Như đã phân tích trên, từ “SẦU MIÊN” là một danh từ ghép, trường hợp này là từ ghép chính phụ, trong đó từ “SẦU” bổ nghĩa cho từ “MIÊN” và có nghĩa là “THAO THỨC” hay “TRẰN TRỌC”.

Như vậy ta có thể nói rằng nguyên nhân khiến cho Trương Kế không ngủ được chính là “sầu muộn, lo âu” sở dĩ ta biết được điều đó là dựa vào từ “sầu”, căn cứ vào những cảm quan mà bài thơ mang lại. Nhưng cũng có người cho rằng nếu lấy từ “sầu” trong “sầu miên” để cho ta nghĩa “ buồn” thì còn lại từ “miên” làm sao dịch là “thao thức” thậm chí họ nêu câu hỏi rằng “hay có tự điển nào định nghĩa “MIÊN” có nghĩa là thao thức” (11). Tuy nhiên trong văn chương không phải khi nào chúng ta cũng hiểu một cách cứng nhắc như vậy; bởi vì nếu ta cứ phân tích và hiểu theo cách đó thì những câu như: “ Đau xé lòng anh chết nửa con người” hay “người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ” về mặt y học thì không thể chấp nhận được, nhưng trong văn học thì thật tuyệt vời. “Văn dĩ tải đạo”, “Ý tại ngôn ngoại” là vậy. Do đó Trương Kế dùng từ “ sầu” ở đây là cố ý .

II - CÓ PHẢI TRƯƠNG KẾ BUỒN, KHÔNG NGỦ ĐƯỢC VÌ THẤY CẢNH TRĂNG LĂN QUẠ KÊU...........KHÔNG?
Như đã đề cập ở trên Trương Kế không ngủ được là vì buồn rầu, lo âu, nhưng ông buồn rầu, lo âu điều gì? Từ trước đến nay hầu như ai cũng nghĩ là Trương Kế thao thức không ngủ được vì buồn, hay do buồn vì thấy cảnh trăng lặn, quạ kêu …… lửa chài, cây bến, mà không ngủ được như Đường Thi Tam Bách Thủ (ĐTTBT) độc bản của Sổ nghiêu tuyển tập (10) đã giảng:

Nguyên văn:
“Ngã kim tại giá Phong Kiều hạ đình thuyền trụ túc, chỉ kiến nguyệt lượng lạc hạ khứ đích thời hầu, ô nha tại thụ thượng đề khiếu, mãn thiên giáng trước nùng sương, giang biên đích phong thụ hoà ngư thuyền thựơng đích đăng quang, chính đối trước ngã giá cá ưu sầu bất đắc thành miên đích nhân”

Tạm dịch :
“ Đêm nay tôi neo thuyền tại bến Phong kiều, thấy ánh trăng càng lúc càng xa mờ đi, trên cây đàn quạ kêu , đầy trời sương giăng mù mịt, những cây phong bên sông cùng ánh đèn chài lấp lánh trước mặt, làm cho tôi ưu sầu không sao ngủ được “.

Có lẽ vì sách ĐTTBT giảng như thế nên ở Việt Nam, chúng ta cũng nghĩ như thế chăng? Thật ra Trương Kế đã thức suốt đêm rồi, những gì được tả trong thơ thuộc về cuối đêm, nên đâu phải vì thấy khung cảnh như thế sinh buồn không ngủ được. Hơn nữa nếu hiểu như vậy thì đơn thuần bài thơ chỉ là một bài tả cảnh, vậy đâu là thông điệp của bài thơ, chắc chắn ai cũng biết rằng thông điệp mà TK muốn gởi đến người đọc nằm đằng sau những gì ông mô tả trong bài thơ. Thông điệp ấy như thế nào tôi sẽ đề cập tới trong phần sau, nhưng có một điều ta hiểu được là ông rất lo âu, và vì lo âu nên không ngủ được. Ở đây tôi dùng từ “lo âu” bởi vì cái làm cho ông thao thức ấy phải lớn hơn nỗi buồn, cách ông dùng từ trong thơ cho ta nghĩ như vậy. Nhìn vào cách TK xử dụng biện pháp sáng tác( ba câu dồn lại một cho thấy sự dồn nến trong tâm hồn ông) và từ loại trong bài thơ chúng ta thấy với một bài thơ 28 chữ mà ông đã dùng tới 7 động từ, (Lạc, đề, mãn, đối, bán, thanh, đáo) với 3 động từ trong câu mở đầu và 3 động từ trong câu kết thúc, còn lại là danh từ, chỉ duy nhất 1 phó từ (ngoại) và1 tĩnh từ (sầu), mà từ sầu này chỉ bổ nghĩa cho từ miên (ngủ). Do đó tôi nghĩ rằng chắc chắn có một điều gì đó hết sức mạnh mẽ tác động lên tâm hồn Trương Kế làm cho ông không ngủ được. Ở đây ta cũng thấy Trương Kế đã xử dụng từ “sầu” hết sức khéo léo. Mặc dầu từ ghép “sầu miên” có nghĩa là “thao thức”, nhưng nó cũng gợi cho người đọc hiểu rằng lòng ông lo âu sầu muộn biết bao trong đêm ấy tại bến Phong Kiều. Ta có thể hiểu rằng đây chính là cách mà TK vừa bày tỏ lòng mình nhưng lại vừa dấu ý định của mình. Bởi vì vào thời Trương Kế không ít thi nhân đã gặp tai hoạ vì chữ nghĩa. Do đó khi ông viết “sầu miên” thì có thể giải thích được khi bị chất vấn.

Đến đây tôi xin tạm dịch hai câu thơ trên như sau:
“Trăng đã lặn, quạ kêu, trời đầy sương,
Hàng cây phong bên sông cùng ánh lửa chài đang ở trước cơn buồn ngủ”.

Dịch thơ :
"Trăng lặn, quạ kêu, sương kín trời.
Lửa chài, cây bến trước con ngươi”

III - CÓ PHẢI CHUÔNG CHÙA HÀN SAN ĐÁNH VÀO LÚC NỬA ĐÊM ?
Đây là một vấn đề mà đã làm tổn hao rất nhiều công sức và giấy mực của những nhà nghiên cứu, người thì bảo tại vì nhà thơ mơ màng nên cứ ngỡ là nửa đêm, chứ thực ra lúc ấy chẳng phải nửa đêm, như trong quyển Đường thi hợp giải bát bách thủ của Hà Trừng Bình đã viết:

Nguyên văn:

“Thử thời thực bất thị dạ bán. Trương kế sầu miên thời, tâm thần hoảng hốt nghi kỳ thị bán dạ dã”.

Tạm dịch:
“Lúc bấy giờ thực chẳng phải là nửa đêm, Trương Kế đang lúc chập chờn, tinh thần hoảng hốt, ngỡ là nửa đêm vậy”.

Nhưng cũng có người cho rằng: quả thật chuông chùa Hàn San đánh vào lúc nửa đêm như đã được chú trong quyển Đường thi tam bách thủ hân thưởng của Lưu Đại Trừng: (12)

Nguyên văn:
“Âu Dương Tu viết: Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý hữu bất thông giả, diệc ngữ bịnh dã. Đường nhân hữu vân: Cô Tô đài hạ Hàn San tự, dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Thuyết giả diệc vân: Cú tắc giai hỷ, kỳ như tam canh bất thị đả chung thời. Diệp Thiếu Uẩn Thạch Lâm thi thoại: Cái công vị thường chí Ngô trung, kim Ngô trung tự thực bán dạ đả chung”.

Tạm dịch:
“Âu Dương Tu nói: Nhà thơ vì tham cầu đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bịnh. Người đời Đường có nói rằng: Chùa Hàn San dưới đài Cô Tô, nửa đêm tiếng chuông vang tới tận khách trên thuyền. Họ cũng nói rằng: Câu thơ rất đẹp, duy chỉ có canh ba đâu phải lúc đánh chuông. Sách Thạch Lâm thi thoại của Diệp Thiếu Uẩn có nói: Vì ông chưa đến huyện Ngô, hiện nay chùa ở đó nửa đêm có đánh chuông thật”.

Lại có người không quan tâm đến chuyện chuông chùa Hàn San đánh vào lúc nào, và xem việc tìm hiểu có hay không tiếng chuông nửa đêm là chuyện bới lông tìm vết, như trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản của Sổ Nghiêu viết:

Nguyên văn:

“ Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì”.

Tạm dịch:
“Người đời sau cho rằng nửa đêm không có tiếng chuông và cho đó là một ngữ bịnh. Xin miễn bới lông tìm vết”.

Trên đây là những ý kiến của những thức giả Trung Hoa. Ở Việt Nam thì hầu như đa số những người nghiên cứu đều biết việc đánh chuông vào lúc nửa đêm là không phù hợp với khung cảnh được tả trong bài thơ, nhưng vì chưa lý giải được tại sao lại dùng từ “dạ bán” trong hoàn cảnh như vậy, nên chấp nhận rằng tiếng chuông chùa Hàn San đánh vào lúc nửa đêm và chẳng có bình luận gì mới. Theo tôi nghĩ, có thể bởi vì trước đây đa số những ngưòi quan tâm đến bài thơ này đều trông đợi sự chú thích của các thức giả Trung Hoa, mà như ta biết hầu như ai cũng chấp nhận hoặc đó là lúc nửa đêm, hoặc đây là một tỳ vết của bài thơ.

Không thỏa mãn với những gì đã nêu trên, ở đây tôi muốn tìm hiểu về nghĩa của từ “DẠ BÁN” trong bài thơ này, xem thử có thực “DẠ BÁN” có nghĩa là “NỬA ĐÊM” không?

Để tìm hiểu vấn đề nầy, tôi xin ghi lại cách Trương Kế diễn tả cảnh trong đêm đó qua các hình ảnh, âm thanh mà ông đã ghi lại trong bài thơ.

Trăng đã lặn, quạ kêu, trời đầy sương,
Hàng cây phong bên sông cùng ánh lửa chài đang ở trước cơn buồn ngủ.
Ngoài thành Cô Tô có chùa Hàn San,
Đêm đã qua hơn một nửa (canh khuya), tiếng chuông vọng tới khách trên thuyền.

Ở đây tôi dịch “DẠ BÁN” là đêm đã qua hơn một nửa là vì:

Trương Kế là người Trung Hoa, chắc chắn ông biết rằng nửa đêm trong tiếng Hán là “BÁN DẠ” cũng như: BÁN NHỰT (nửa ngày), BÁN NGUYỆT (nửa tháng), BÁN NIÊN(nửa năm). Trong một số trường hợp nào đó, có thể đảo ngữ để cho hợp vận hay niêm luật. Tuy nhiên trong văn cảnh này thì việc sử dụng “BÁN DẠ” cũng không sái niêm luật. Vậy tại sao ông không viết “BÁN DẠ” mà lại viết “DẠ BÁN”ngay cả các thức giả Trung Hoa cũng viết “BÁN DẠ” là nửa đêm như:

“Thử thời thực bất thị DẠ BÁN (chữ của TK). Trương Kế sầu miên thời, tâm thần hoảng hốt nghi kỳ thị BÁN DẠ (chữ của người chú) dã” (xem phần dịch ở trước).

Hay trong Đường thi tam bách thủ độc bản của Sổ Nghiêu viết:

Nguyên văn:
“Thử thi đại ý tự lữ khách dạ túc chu trung đích tình cảnh. Thử thi thời gian hoàn toàn ý tại BÁN DẠ(chữ của người chú). Sở dĩ thủ cú tức thuyết NGUYỆT LẠC dữ mạt cú DẠ BÁN (chữ của TK) tương hô ứng, tịnh dĩ Ô ĐỀ dữ CHUNG THANH tương hô ứng .”

Tạm dịch:
“Bài thơ này đại ý tả tình cảnh của người lữ khách qua đêm trong thuyền. Thời gian trong bài thơ này hoàn toàn chỉ về nửa đêm (BÁN DẠ). Sở dĩ câu đầu nói NGUYỆT LẠC và câu cuối DẠ BÁN là để cùng hô, cùng ứng với nhau, rồi thì Ô ĐỀ và CHUNG THANH cũng cùng hô, cùng ứng”.

Hay trong Đường thi tam bách thủ hân thưởng của Lưu Đại Trừng đã viết :

“Cái công vị thường chí Ngô trung, kim Ngô trung tự thực BÁN DẠ đả chung”.(xem phần dịch ở trước)

Như vậy rõ ràng Trương Kế đã dùng từ “DẠ BÁN ” có chủ ý. Nhưng “DẠ BÁN với nghĩa nào và tại sao?

Chúng ta hãy trở lại cấu trúc bài thơ này.

Ngay từ đầu tác giả đã viết:

Cấu trúc ngữ danh từ : NGUYỆT LẠC trăng rụng hay trăng lặn.

                                             C         V

Cấu trúc đủ (câu) NGUYỆT DĨ LẠC trăng đã lặn. 
                                      C           V

Các ngữ danh từ “Ô đề, sương mãn thiên, dạ bán, chung thanh” cũng tương tự như ngữ danh từ “nguyệt lạc”

Do dùng câu làm ngữ danh từ nên Trương Kế đã tỉnh lược tối đa thành phần của câu, vì vậy người đọc cần phải hiểu theo đúng nghĩa mà cấu trúc thật mang lại. Trong trường hợp này thì “NGUYỆT LẠC”, “trăng lặn”, phải được hiểu là: “NGUYỆT DĨ LẠC”, “trăng đã lặn”, chứ không thể nghĩ rằng “trăng đang lặn được”, mà trăng đã lặn thì làm sao mà vào nửa đêm được, hơn nữa lại có tiếng quạ kêu (*), quạ là một loài chim không sinh hoạt ban đêm, điều này cho thấy tiếng kêu của lũ quạ báo cho thấy rằng đêm sắp hết, bình minh đang đến rất gần, và cũng chính vì vậy hơi ấm của mặt trời đã vươn tới nơi dòng sông khiến cho hơi nước xông lên thành sương mù dày đặt, trong khung cảnh như thế, lại có tiếng chuông chùa từ xa vang đến. Trương Kế sau gần một đêm không ngủ, tinh thần mỏi mệt, nhưng nhà thơ biết chắc thời gian đang ở khoảng nào, nhất định là không phải vào lúc nửa đêm – canh ba –. Bởi vì nếu muốn nói như thế, nhà thơ đã viết “BÁN DẠ” rồi. Vì vậy chúng ta hãy xem lại cấu trúc của ngữ danh từ “DẠ BÁN”.

Cấu trúc ngữ danh từ : DẠ BÁN 

                                      C       V

Bao gồm hai cấu trúc đủ (câu):

Một là “DA DĨ BÁN” “đêm đã qua một nửa”

               C       V
Hai là “DA DĨ QUÁ BÁN” “đêm đã qua hơn một nửa”.

             C             V

Nếu nhìn vào toàn bộ cách dùng từ của Trương Kế trong bài thơ thì ta sẽ thấy cấu trúc hai là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì nếu chấp nhận cấu trúc một thì tác giả là một nhà vật lý hay toán học chứ không phải là nhà thơ, trong thơ không thể có cách nói đo đạc thời gian một cách chính xác như vậy, đồng thời nhà thơ chẳng có lý do gì mà ngồi canh thời gian như vậy, hơn nữa nếu chỉ thức tới canh ba thì có gì đáng nói, mà nếu như vậy thì ông đã dùng danh từ ghép “bán dạ”. Ở đây tác giả dùng từ “dạ bán” là vì ông rút ngắn câu “ dạ dĩ quá bán” cũng như “ nguyệt lạc” từ câu “nguyệt dĩ lạc”. Như vậy “dạ bán” ở đây có nghĩa là “dạ dĩ quá bán”. Cái hay của nhà thơ là ông đã không nói thời điểm cụ thể, mà ông đã để tiếng chuông rơi vào nửa sau của đêm, một khoảng cách rất rộng, mà ta có thể gọi trong tiếng Việt là “canh khuya”,còn người đọc tự mình cảm nhận thời điểm tiếng chuông vang tới bằng cách hình dung toàn bộ hình ảnh và âm thanh mà ông đã mô tả trong bài thơ.

Chính các nhà nghiên cứu Trung Hoa cũng cảm nhận điều này, như phần trích dẫn ở trên, “nguyệt lạc”hô ứng với “dạ bán”, “ô đề” thì hô ứng với “chung thanh”, như thế ta có trăng đã lặn hô ứng với đêm đã khuya, quạ kêu hô ứng chuông vang.Thêm vào đó, cách nhà thơ dùng từ “dạ bán”, cho thấy nhà thơ hoàn toàn nhận thức được ông đã chờ đợi giấc ngủ suốt đêm qua, hình ảnh này cho ta thấy việc TK không ngủ được là do có một lo âu nào đó rất mạnh mẽ trong lòng chứ không đơn giản là vì buồn.

Ta có thể viết lại bài thơ ấy dưới hình thức văn xuôi như sau :

“Ngã kim tại Phong Kiều bạc, chỉnh dạ tâm tại thiên sầu vạn trứ bất đắc thành miên

Hốt kiến nguyệt dĩ lạc = Nguyệt lạc,

Thụ thượng ô nha đề khiếu = Ô đề,

không trung sương giáng mãn thiên = Sương mãn thiên.

giang biên chi phong thụ = Giang phong,

dữ ngư thuyền chi hỏa quang = Ngư hỏa,

chính đối trước ngã,= đối (ngã = sầu miên).

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự (tăng nhân đả chung), = Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

thử thời dạ dĩ quá bán, = dạ bán

chung thanh đáo ngã thuyền.= Chung thanh đáo khách thuyền

Có một một giai thoại để giải thích cho việc đánh chuông vào lúc “DẠ BÁN” này.

Tương truyền rằng Trương Kế một đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều, rung cảm trước cảnh đẹp của thiên nhiên ông đã cảm tác được hai câu thơ:

“ Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên”,

Thế rồi ông không sao kết thúc được bài thơ, nên cứ thao thức mãi. Cùng trong đêm ấy, sư cụ chùa Hàn San cũng thấy cảnh trăng đầu tháng mông lung, huyền ảo nên cảm tác được hai câu thơ:

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tợ ngân câu, bán tợ cung
(Mồng ba, mồng bốn nguyệt mông lung
Nửa tợ móc câu, nửa tợ cung)

Rồi cũng như Trương Kế, sư cụ cũng không sao kết thúc được bài thơ của mình, cứ thao thức mãi. Thời gian trôi đi, cho đến lúc chú tiểu trong chùa dậy đánh chuông, (đây là nhiệm vụ của người tập sự) đi ngang phòng thầy, thấy thầy còn thức, hỏi ra mới biết bèn mạo muội xin thêm vào hai câu nữa để hoàn chỉnh bài thơ. Sư cụ đồng ý, chú tiểu liền đọc:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không”
(Một mảnh trăng chia thành lưỡng đoạn
Nửa chìm đáy nước, nửa trên không)

Như một nửa còn lại của một viên ngọc, hai câu thơ của chú tiểu ý tứ liền lạc với hai câu của sư cụ, tạo thành một bài thơ hoàn hảo. Sư cụ như trút được gánh nặng, còn chú tiểu cũng vô cùng sung sướng, vì thực ra đêm qua chú cũng lâm vào tình trạng như thầy mình. Hai thầy trò như đã hoàn thành một việc lớn, với tâm hoan hỉ, phấn chấn, chú tiểu đi đánh chuông. Tiếng chuông mạnh mẽ, ngân vang, như cơn gió mở toang tâm hồn của Trương Kế còn đang trằn trọc dưới bến Phong Kiều, tứ thơ của ông tức thì tuôn trào thành hai câu:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Thế là Trương Kế cũng hoàn thành bài thơ của mình.

Trong Phật Giáo không thấy có sách nào nói về việc đánh chuông vào lúc nửa đêm hay bất thường, ngoại trừ khi nhà chùa có sự cố như: Vị Trú Trì chết, hoả hoạn, hay bị nạn, trong trường hợp như thế, tiếng chuông là một thông tin có giá trị như một thông báo, kêu gọi sự giúp đỡ. Đánh chuông vào canh năm là một truyền thống từ ngàn xưa của Phật giáo Trung Hoa cũng như Việt Nam, điều này ai cũng rõ. Nhưng vì đây là một giai thoại dùng để giải thích cho việc Trương Kế dùng từ “DẠ BÁN” với nghĩa “NỬA ĐÊM”, chính vì vậy đôi khi người viết phải sửa lại câu chuyện cho thích hợp với mục đích của mình, như có người đã viết:(13)

“ Chú tiểu hầu bên thấy vậy mới hỏi Sư cụ sao đêm nay cứ trằn trọc mãi không ngủ. . . .

Sư cụ nghe xong khen hay và bảo chú tiểu lên chánh điện đánh chuông tạ ơn Phật”.

Đây là một giai thoại nhằm phục vụ cho việc giải thích hai từ “dạ bán” trong bài thơ của Trương Kế, do đó những tình tiết của câu chuyện cũng phải làm sao cho hợp lý, vì vậy trong câu chuyện nói trên có nhiều điều hơi gượng ép. Một là sao mà nhà chùa hành hạ chú tiểu đến vậy, (đứng hầu thầy đến nửa đêm), may mà chú thêm vào hai câu, chứ nếu không e hầu cả đêm. Hai là kiểu ăn mừng của thầy trò chùa Hàn San quá ư bất thường. Ba là chuông ở chánh điện là chuông gia trì, âm thanh chỉ đủ vang trong phạm vi chánh điện mà thôi, làm sao vang tới khách đang ở trên thuyền ngoài bến Phong Kiều cho nỗi, vì chùa Hàn San ở ngoài thành Cô Tô, cách xa chỗ neo thuyền của Trương Kế . Như vậy tiếng chuông mà Trương Kế nghe phải là tiếng Đại hồng Chung, mà Đại Hồng Chung chỉ đánh vào lúc canh năm mà thôi. Cho dù đây là một giai thoại, nhưng nó cũng cho thấy rằng người xưa đã nghĩ “DẠ BÁN” không phải là “BÁN DẠ”.

Với tất cả những gì đã nêu trên, tôi cho rằng hai từ “DẠ BÁN” trong trường hợp này có nghĩa là “ĐÊMĐÃ QUÁ NỬA”, “ĐÊM ĐÃ KHUYA” hay “CANH KHUYA”. Rõ ràng Trương Kế đã xử dụng từ “DẠ BÁN” có chủ ý, chính xác và rất đắt.

- THÔNG ĐIỆP MÀ TK MUỐN GỞI ĐẾN NGƯỜI ĐỌC LÀ GÌ?
Như đã trình bày trên, rỏ ràng TK viết bài thơ này với những tính toán nhất định, vì sao tôi cho như vậy. Bởi vì, như ta biết TK là một người tài, chỉ với bài thơ PKDB này thôi mà ông đã nổi tiếng như thế, thì đủ biết chắc ông phải có nhiều bài thơ hay khác nữa. Nhưng ngày nay ta chỉ biết TK qua bài PKDB này thôi. Tự việc này đã nói lên rằng TK viết bài này là có dụng ý, và dĩ nhiên là ông hết sức hài lòng. Sự việc ngày nay TK chỉ còn một bài thơ PKDB chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà có. Ta có thể hình dung ra ngày ấy (thời TK) khi các nhà tập chú thơ muốn ghi lại (mỗi người mỗi bài) có thể họ đã hỏi TK. “Ông thích bài nào nhất?” và TK đáp “Phong Kiều Dạ Bạc” chính vì vậy mà trải qua hàng ngàn năm, với những tranh cãi về chữ nghĩa như thế mà bài thơ vẫn tồn tại, trong khi đó bao nhiêu thơ văn của ông chẳng còn gì.

Khi đã nghĩ như vậy thì câu hỏi đặt ra là “Vậy TK viết bài thơ PKDB với mục đích gì?”. để trả lời cho câu hỏi này chúng ta hãy xem lại phương pháp sáng tác bài thơ (như đã trình bày trên). Tôi cho rằng TK là người rất thông thạo về vùng đất này và đã nhiều lần ngủ thuyền ở bến Phong Kiều. Tuy nhiên căn cứ vào những gì đã ghi lại trong bài thơ cho ta hiểu, có thể TK viết bài PKDB tại bến Phong Kiều, mà cũng có thể TK viết bài thơ này tại một nơi khác. Nhưng dù ông sáng tác bài thơ này ở đâu chăng nữa, thì việc sáng tác bài thơ này xuất phát từ những tính toán chứ không phải từ những cảm xúc nhất thời. Theo tôi lý do mà ông sử dụng những hình ảnh của bến Phong Kiều là tại hai chữ “Cô Tô” hay nói khác hơn là ý nghĩa mà điển tích “Cô Tô” mang lại (14). Đây chính là từ đinh của bài thơ, chính vì vậy từ “Cô Tô” này nằm ở trung tâm của bài thơ. Bởi vì thành Cô Tô và chùa Hàn San cách bến Phong Kiều gần chục cây số thì làm sao nằm ở bến Phong Kiều mà nghe tiếng chuông chùa Hàn San cho được, ngàn năm trước mười cây số là một khoảng cách rất lớn, và chắc chắn chủ yếu là rừng, rõ ràng TK đã sắp đặt các yếu tố này một cách có chủ ý, mà như tôi đã nói là tại vì TK muốn sử dụng địa danh “Cô Tô”để gởi gắm tâm tư của mình chính như đã nói ở trên. Thêm vào đó lại có chùa Hàn San, nơi đêm đêm tiếng chuông vang vọng nhắc nhở con người rằng cuộc đời vô thường lắm, thông điệp vô thường ấy đã vang tới tận bến Phong Kiều nơi có một con người đang chơi vơi giữa thực hư của nhiên giới, hay có thể nói giữa nhân giới. Con người ấy đang lênh đênh trên con thuyền mà ở đây ông đã khéo dùng “Khách thuyền” khách cũng chính là thuyền, thuyền thì cô đơn trên bến Phong Kiều mịt mờ sương phủ, và khách lênh đênh giữa dòng lịch sử với ngổn ngang những dấu hiệu suy tàn.

Như ta biết TK là một mệnh quan của triều đình, do đó chắc chắn ông đã nhận ra rằng thời kỳ suy tàn của một triều đại đang trên con đường sụp đổ, chính trong thời kỳ này loạn An Lộc Sơn, đã làm cho vua quan phải bỏ cả Trường An mà chạy. Với tư cách là kẻ sĩ, chứng nhân của thời đại, TK muốn nói lên điều đó, tuy nhiên lịch sử đã cho thấy rằng chữ nghĩa có thể là tai họa, nhưng không thể không nói, chính vì vậy ông đã mượn bến Phong Kiều gần thành Cô Tô để gởi gắm thông điệp của mình./.

............................../////////////.........................................

1 - Kiến thức ngày nay số 388 ra ngày 20.5.2001 trang 71.
2 - Tự học Hán văn Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1995 trang 294.
3 - Bình giảng thơ Đường do Nxb Giáo Dục in năm 2003 trang 84 .
4 - Kiến thức ngày nay số 537 ngày 10.7.2005 trang 43.
5- Tự học Hán văn - Nguyễn Khuê 294, 295. Nxb TPHCM 1995
6 - Báo Văn nghệ- Hội nhà văn số 48 ngày 28-11-1992.
7 - Hội đồ Thiên Gia thi - Chung Bá Kính do Nhật Tân thư trang ấn hành.
8 - Báo Văn Nghệ - Hội nhà văn số 10 ngày 6-3-1993
9 - Báo Văn Nghệ TPHCM số 77 ra ngày 18 – 24 – 11-1993
10- Đường Thi Tam Bách Thủ độc bản của Sổ Nghiêu tuyển tập, do Văn Nguyên thư cục ấn hành 1965.
11 -Kiến thức ngày nay số 537 ngày 10.7.2005
12 -Đường thi tam bách thủ hân thưởng của Lưu Đại Trừng thuật chú do Văn hóa đồ thư công ty ấn hành.
13 - Văn - số 26 – 1993 do Ban văn hoá TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Xb trang 62.
(*)Có thể những người này lấy địa danh ngày nay mà xét. Bởi vì từ sau khi bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế ra đời, người ta đã lấy các từ trong bài thơ đặt tên núi. Các tên núi này cũng đã đi vào thi ca như bài “Quá phong kiều tự” của nhà thơ Tôn Địch đời Tống mà trong Đường thi tam bách thủ giải thích như sau: Nguyên văn:
“Kim nhân hoặc dĩ vi “ô đề”nãi Hàn Sơn tự dĩ tây hửu ”ô đề sơn”phi chỉ “ô nha đề khiếu “sầu miên” nãi Hàn San tự dĩ nam đích ‘sầu miên sơn” phi chỉ “ưu sầu nan miên” thù bất tri “ô đề sơn” dử “sầu miên sơn” khước thị nhơn Trương Kế thi đắc danh” Tôn Địch đích “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự”cú trung đích “ô đề” tức thị minh hiển chỉ “ Ô đề sơn”.
Tạm dịch:
“Ngày nay một số người cho rằng”Ô Đề”là “núi Ô Đề”phía tây chùa Hàn San chứ chẳng phải là “tiếng Quạ Kêu”, “Sầu Miên”là “núi Sầu Miên” phía nam chùa Hàn San chứ chẳng phải “lo âu khó ngủ”. (Họ) đâu biết rằng “núi Ô Đề” và “núi sầu miên” là do vì bài thơ của Trương Kế mà có tên.. Từ “ô đề”trong câu thơ “Ô Đề nguyệt lạc kiều biên tự” rõ ràng chỉ”núi Ô Đề”.
(*) Loài quạ thường sinh sống từng bầy, ban ngày đi kiếm ăn thì chia làm nhiều đàn nhỏ, chiều về chung sống với nhau. Đặc biệt chúng thường kêu inh ỏi vào buổi sáng sớm, điều này đã làm cho các nhà điểu loại học hết sức quan tâm, sau nhiều năm nghiên cứu họ biết rằng loài quạ kêu inh ỏi vào buổi sáng chính là chúng nói chuyện với nhau, cụ thể là chúng thông tin cho nhau nơi nào có nhiều thức ăn sau đó chúng mới bay đi kiếm ăn. Thông tin này được phát trên VTV2 trong chương trình” Thế giới loài vật” đề tài “ Đời sống của loài quạ” ngày giờ tôi không còn nhớ.
14 - Từ sau khi vua nước Ngô là Phù Sai vì Tây Thi mà mất nước, thì thành Cô Tô (và tên Cô Tô) nơi Phù Sai xây cho Tây Thi ở đã trở thành điển tích biểu tượng cho sự suy vong của một chế độ, dẫn đến mất nước. Theo tôi đây chính là lý do mà TK đã chọn bến Phong Kiều để làm chất liệu cho bài thơ của mình.

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget